Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với số đông Thượng tọa Tỳ-kheo ngụ trong rừng Am-la, thuộc làng Am-la.
Bấy giờ, trưởng giả Chất-đa-la đi đến chỗ các Thượng tọa, đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi một bên và thưa với các Thượng tọa:
_ Những luận thuyết ở thế gian cho rằng có ngã, có chúng sanh, có thọ mạng, có việc tốt xấu ở đời. Thưa Tôn giả! Những luận thuyết sai biệt này là do cái gì làm cội gốc, cái gì khiến tích tụ, cái gì làm sanh khởi, cái gì khiến lưu chuyển?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo Thượng tọa im lặng không đáp. Trưởng giả hỏi ba lần như thế, các Thượng tọa vẫn im lặng.
Lúc ấy, có Tỳ-kheo hạ tọa là Lê-tê-đạt-đa thưa với các Thượng tọa:
_ Thưa các Thượng tọa! Con muốn trả lời câu hỏi của trưởng giả kia.
Các Thượng tọa bảo:
_ Có thể trả lời được thì hãy trả lời!
Trưởng giả liền hỏi Tôn giả Lê-tê-đạt-đa:
_ Những luận thuyết ở thế gian do cái gì làm cội gốc, cái gì khiến tích tụ, cái gì làm sanh khởi, cái gì khiến lưu chuyển?
Tôn giả Lê-tê-đạt-đa đáp:
_ Này trưởng giả! Những luận thuyết ở thế gian cho rằng có ngã, có chúng sanh, có thọ mạng, có việc tốt xấu ở đời. Tất cả những luận thuyết ấy đều do thân kiến[2] làm gốc, do thân kiến mà tích tụ, do thân kiến mà sanh khởi, do thân kiến mà lưu chuyển.
Trưởng giả lại hỏi:
_ Thế nào là thân kiến?
Tôn giả Lê-tê-đạt-đa đáp:
_ Này trưởng giả! Hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết thấy sắc là ngã, hoặc thấy sắc khác ngã, thấy sắc ở trong ngã, thấy ngã ở trong sắc; thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, thấy thức khác với ngã, thấy ngã ở trong thức, thấy thức ở trong ngã. Này trưởng giả! Đó gọi là thân kiến.
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
_ Làm thế nào để đạt đến không còn thân kiến này?
Tôn giả đáp:
_ Này trưởng giả! Vị Thánh đệ tử đa văn không thấy sắc là ngã, cũng không thấy sắc khác ngã, không thấy sắc trong ngã, cũng không thấy ngã trong sắc; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, không thấy thức khác với ngã, không thấy thức ở trong ngã cũng không thấy ngã có ở trong thức. Đó gọi là đạt được không còn thân kiến.
Trưởng giả lại hỏi:
_ Thưa Tôn giả! Phụ thân của Tôn giả tên gì? Tôn giả được sanh ra ở đâu?
_ Nơi tôi sanh ra thuộc vùng đất phía sau nhà trưởng giả.
Trưởng giả Chất-đa-la nói với Tôn giả Lê-tê-đạt-đa:
_ Vậy con và hai cụ thân sanh của Tôn giả vốn là chỗ quen biết.
Tôn giả Lê-tê-đạt-đa đáp:
_ Đúng như thế, thưa trưởng giả!
Trưởng giả Chất-đa-la nói với Tỳ-kheo Lê-tê-đạt-đa:
_ Nếu Tôn giả có thể ở trong rừng Am-la này thì con nguyện suốt đời cúng dường y phục, thức ăn và thuốc men trị bệnh.
Tôn giả Lê-tê-đạt-đa im lặng nhận lời.
Vì Tôn giả Lê-tê-đạt-đa nhận lời thỉnh cầu cúng dường của trưởng giả Chấtđa-la nên có sự trở ngại, ít khi đến chỗ Thế Tôn.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo Thượng tọa vì trưởng giả Chất-đa-la mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho trưởng giả hoan hỷ[3] rồi, trưởng giả Chấtđa-la hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi rời đi.
***
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.