Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 21

568. TỲ-KHEO GIÀ-MA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với các Tỳ-kheo Thượng tọa ngụ trong rừng Amla, thuộc làng Am-la.

Bấy giờ, trưởng giả Chất-đa-la đi đến và đảnh lễ các Tỳ-kheo Thượng tọa, rồi đến đảnh lễ Tỳ-kheo Già-ma, sau đó ngồi sang một bên và thưa với Tỳ-kheo Già-ma:

_ Nói đến hành, thế nào gọi là hành?

Tỳ-kheo Già-ma đáp:

_ Hành có ba loại, đó là thân hành, khẩu hành và ý hành.

Lại hỏi:

_ Thế nào là thân hành, thế nào là khẩu hành và thế nào là ý hành?

Đáp:

_ Này trưởng giả! Hơi thở ra vào gọi là thân hành; có giác có quán[2] gọi là khẩu hành; tưởng và tư[3] gọi là ý hành.

Lại hỏi:

_ Vì sao hơi thở ra vào gọi là thân hành; có giác có quán gọi là khẩu hành; tưởng và tư gọi là ý hành?

Đáp:

_ Này trưởng giả! Hơi thở ra vào là pháp của thân, nương nơi thân, lệ thuộc vào thân, nương nơi thân mà vận hành. Vậy nên hơi thở ra vào gọi là thân hành. Vì có giác có quán cho nên miệng mới nói năng. Cho nên có giác có quán gọi là khẩu hành. Tưởng và tư là ý hành, vì nương vào tâm, lệ thuộc vào tâm, nương vào tâm mà vận hành. Vậy nên tưởng và tư là ý hành.

Trưởng giả lại nói:

_ Thưa Tôn giả! Do giác và quán rồi mới phát ra miệng nói, vậy nên giác và quán thuộc về khẩu hành. Tưởng và tư là pháp của tâm, nương vào tâm, lệ thuộc nơi tâm mà vận hành, vậy nên tưởng và tư gọi là ý hành.

Trưởng giả lại dùng kệ để hỏi:

_ Thưa Tôn giả! Có bao nhiêu pháp:

Con người lúc lìa đời,         
Thân xác nằm trên đất,       
Ném vào bãi tha ma,           
Vô tâm như gỗ đá?

– Thưa Tôn giả! Có bao nhiêu pháp:

Con người lúc lìa đời,         
Thân xác nằm trên đất,
Ném vào bãi tha ma,         
Vô tâm như gỗ đá?

Tôn giả đáp:

Hơi ấm, thọ và thức,          
Lúc lìa đời đều bỏ,
Thân ở bãi tha ma,             
Vô tri như gỗ đá.

Trưởng giả lại hỏi:

– Thưa Tôn giả! Người chết và người nhập định Diệt tận[4] có khác nhau chăng?

Đáp:

– Lìa bỏ thọ và hơi ấm, các căn hư hoại, thân mạng phân ly, đó gọi là chết. 
Còn người nhập định Diệt tận thì tuy thân, khẩu, ý hành đã diệt, nhưng chưa xả bỏ mạng sống, chưa dứt hơi ấm, các căn không hoại, thân và mạng còn gắn kết với nhau. Đây là tướng sai biệt giữa người chết và người nhập định Diệt tận.

Trưởng giả lại hỏi:

– Thưa Tôn giả! Thế nào là nhập định Diệt tận?

Đáp:

– Này trưởng giả! Người nhập định Diệt tận thì không nói: “Ta nhập định Diệt tận, ta sẽ nhập định Diệt tận.” Nhưng trước tiên là dùng phương tiện dừng dứt lần lần như thế, rồi nương theo phương tiện trước để hướng vào định Diệt tận.

Lại hỏi:

– Lúc nhập định Diệt tận, pháp gì diệt trước tiên? Là thân hành, khẩu hành hay là ý hành? – Này trưởng giả! Người nhập định Diệt tận, trước tiên là khẩu hành diệt, kế đến là thân hành diệt, sau cùng là ý hành.

Trưởng giả lại hỏi:

– Thưa Tôn giả! Thế nào là xuất định Diệt tận?

Tôn giả đáp:

– Này trưởng giả! Người xuất định Diệt tận cũng không suy nghĩ và nói rằng: “Ta nay xuất định Diệt tận, ta sẽ xuất định Diệt tận.” Tuy nhiên từ trước vị ấy đã khởi tâm phương tiện, rồi nương theo tâm đã khởi trước đó để xuất định.

Lại hỏi:

– Khi xuất định Diệt tận thì pháp nào xuất trước? Là thân hành, khẩu hành hay là ý hành?

Đáp:

– Này trưởng giả! Khi xuất định Diệt tận thì ý hành xuất trước, kế đến là thân hành, sau cùng là khẩu hành.

Lại hỏi:

– Thưa Tôn giả! Sự nhập định Diệt tận hướng theo cái gì? Xuôi theo cái gì? 

Chảy sâu vào cái gì?[5]

Đáp:

– Này trưởng giả! Sự nhập định Diệt tận là thuận hướng đến viễn ly, chảy xuôi về viễn ly, chảy sâu vào viễn ly; thuận hướng đến xuất ly, chảy xuôi về xuất ly, chảy sâu vào xuất ly; thuận hướng đến Niết-bàn, chảy xuôi về Niết-bàn, chảy sâu vào Niết-bàn.

Trưởng giả lại hỏi:

– Thưa Tôn giả! Lúc trụ trong định Diệt tận thì có bao nhiêu xúc?

Tôn giả đáp:

– Này trưởng giả! Có xúc bất động, xúc vô tướng và xúc vô sở hữu.

Trưởng giả lại hỏi:

– Thưa Tôn giả! Lúc nhập định Diệt tận thì thực hành bao nhiêu pháp?

Tôn giả đáp:

– Này trưởng giả! Điều này nên hỏi từ trước, sao đến bây giờ mới hỏi? 

Nhưng tôi sẽ nói cho ông rõ. Tỳ-kheo nhập định Diệt tận thì thực hành hai pháp, đó là pháp chỉ và pháp quán.

Trưởng giả Chất-đa-la nghe Tôn giả Già-ma nói xong đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi rời đi.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.568. 0150a17). Tham chiếu: M. 44, Cūḷavedalla Sutta (Tiểu kinh phương quảng); S. 41.6 - IV. 293.

[2] Nguyên tác: Hữu giác hữu quán (有覺有觀, vitakkavicārā).

[3] Tưởng tư (想思, saññā ca vedanā).

[4] Nguyên tác: Diệt chánh thọ (滅正受).

[5] Thuận thú, lưu chú, tuấn thâu (順趣, 流注, 浚輸). P. Kiṃninnaṃ cittam hoti, kiṃpoṇaṃ kiṃpabbhāran’ti. (Tâm hướng đến cái gì, nghiêng về cái gì, xuôi theo cái gì?).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.