Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại nước Ba-la-lợi-phất-đố-lộ,[2] Tôn giả A-nan và Tôn giả Ca-ma cũng ở tinh xá Kê Lâm, nước Ba-la-lợi-phất-đố-lộ.
Bấy giờ, Tôn giả Ca-ma[3] đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng ân cần thăm hỏi nhau xong, ngồi sang một bên rồi nói với Tôn giả A-nan:
_ Kỳ lạ thay, thưa Tôn giả A-nan! Có mắt và sắc, có tai và âm thanh, có mũi và mùi, có lưỡi và vị, có thân và xúc chạm, có ý và pháp; thế nhưng vị Tỳ-kheo có thể hoặc không thể giác tri[4] đối với những pháp này. Vậy là thế nào? Thưa Tôn giả A-nan! Tỳ-kheo ấy vì có tưởng nên không giác tri hay vì không có tưởng nên không thể giác tri?
Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Ca-ma:
_ Người có tưởng cũng không thể giác tri, huống gì là người không có tưởng.
Tôn giả Ca-ma lại hỏi Tôn giả A-nan:
_ Những gì gọi là có tưởng, có pháp[5] nhưng không thể giác tri?
Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Ca-ma:
_ Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác, bất thiện pháp, có giác, có quán, an trú hỷ lạc do ly dục sanh, thành tựu và an trú Thiền thứ nhất. Như vậy, vị Tỳ-kheo tuy có tưởng, có pháp nhưng không thể giác tri. Cũng như thế, đối với Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ đều thành tựu và an trú. Như vậy, vị Tỳ-kheo tuy có tưởng, có pháp nhưng không thể giác tri.
Thế nào gọi là không có tưởng, có pháp nhưng không thể giác tri?
Như[6] vị Tỳ-kheo không nghĩ đến hết thảy các tưởng, tự thân tác chứng và thành tựu tâm vô tướng tam-muội.[7] Đó gọi là Tỳ-kheo không có tưởng, có pháp nhưng không thể giác tri.
Tôn giả Ca-ma lại hỏi Tôn giả A-nan:
_ Nếu Tỳ-kheo thành tựu tâm vô tướng tam-muội, không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì Thế Tôn gọi đó là quả gì, công đức gì?
Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Ca-ma:
_ Nếu Tỳ-kheo thành tựu tâm vô tướng tam-muội không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì Thế Tôn gọi đó là Trí cứu cánh, là Trí công đức.
Bấy giờ, hai vị Chân nhân cùng nhau bàn luận trong hoan hỷ và tùy hỷ rồi mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy cáo từ.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.559. 00146b24). Tham chiếu: S. 35.233 - IV. 165; A. 9.37 - IV. 426.
[2] Ba-la-lợi-phất-đố-lộ Kê Lâm tinh xá (波羅利弗妬路雞林精舍).
[3] Nguyên tác: Ca-ma (迦摩).
[4] Nguyên tác: Năng bất giác tri (能不覺知).
[5] Nguyên tác: Ư hữu (於有), đối với sự hữu, tức các pháp. Xem giải thích ở đoạn kinh văn sau.
[6] Nguyên tác: Như thị (如是, yathā), được sử dụng trong nhiều nghĩa, nghĩa được dùng ở đây là “như.”
[7] Xem thêm S. 40.9 - IV. 268: “Thế nào là vô tướng tâm định? Và này chư Hiền, tôi suy nghĩ như sau: ‘Ở đây, Tỷ-kheo không tác ý tất cả tướng, chứng và trú vô tướng tâm định.’ Ðây gọi là vô tướng tâm định” (HT. Thích Minh Châu dịch).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.