Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

542.  TRỪ SẠCH CÁC LẬU[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đang ở tinh xá Tùng Lâm, thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, có số đông Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng nhau ân cần thăm hỏi, ngồi sang một bên rồi hỏi Tôn giả A-na-luật rằng:

_ Nếu Tỳ-kheo ở giai vị Hữu học[2] có lòng mong cầu hướng thượng, trụ nơi Niết-bàn an ổn thì vị Thánh đệ tử đó phải tu tập và tu tập thuần thục những gì trong giáo pháp này để có thể trừ sạch các lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát,[3] ngay trong hiện tại tự biết, tự ngộ:[4] “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa”?

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:

_ Nếu Tỳ-kheo ở giai vị Hữu học có lòng mong cầu hướng thượng, trụ nơi Niết-bàn an ổn thì vị Thánh đệ tử đó phải tu tập và tu tập thuần thục những gì trong giáo pháp này để có thể trừ sạch các lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại tự biết, tự ngộ: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa”? Vị đó nên an trụ bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là quán thân trên nội thân niệm xứ,... (cho đến) quán pháp trên pháp. Bốn niệm xứ được tu tập và tu tập thuần thục ở trong Chánh pháp như vậy sẽ trừ sạch các lậu hoặc, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại tự biết, tự ngộ: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”

Các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-na-luật dạy xong đều hoan hỷ và tùy hỷ rồi mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.542. 0140c25). Tham chiếu: S. 52.4 - V. 298; S. 52.5 - V. 299.

[2] Nguyên tác: Học địa (學地). Giai vị Hữu học. P. Sekhabhūmi. Các thể tương tự là “Học nhân” (學人), “Hữu học” (有學).

[3] Nguyên tác: Tuệ giải thoát (慧解脫, paññāvimuttā).

[4] Nguyên tác: Tự tri tác chứng (自知作證). Tác chứng (作證), S. sākṣātkriyā với căn ngữ √kṛ nghĩa là nhận thức rõ ràng bằng mắt của mình, nghĩa tương đương như chữ “giác” (覺). Tạp. 雜 (T.02. 0099.37. 0008b27); Tạp. 雜 (T.02. 0099.38. 0008c16) đều dùng chữ “tự tri tự giác” (自知自覺).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.