Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

540.  TRỤ TÂM NƠI BỐN NIỆM XỨ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đang lâm bệnh nặng ở trong tinh xá Tùng Lâm, tại nước Xá-vệ.

Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật thăm bệnh, an ủi xong liền đứng sang một bên rồi thưa với Tôn giả A-na-luật rằng:

_ Thưa Tôn giả A-na-luật! Bệnh của Tôn giả tăng hay giảm, có thể chịu đựng được chăng? Bệnh có giảm dần và không tăng thêm chứ?

Tôn giả A-na-luật đáp:

_ Bệnh tôi không bớt, thật khó chịu đựng, khắp thân đau đớn, càng lúc càng nặng thêm.

Tôn giả A-na-luật liền nói ba ví dụ, như Kinh Tỳ-kheo Sai-ma[2] đã thuyết ở trên, rồi nói thêm rằng:

_ Dù thân bị đau đớn như thế này nhưng tôi vẫn an nhẫn và chánh niệm tỉnh giác.

Các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật:

_ Với những đau đớn như thế thì Tôn giả đã trụ tâm vào đâu để có thể an nhẫn và chánh niệm tỉnh giác?

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:

_ Tôi trụ tâm nơi bốn niệm xứ nên mỗi khi cử động, dù thân thể có bị đau đớn nhưng tôi vẫn có thể an nhẫn và chánh niệm tỉnh giác. Những gì là bốn niệm xứ? Đó là quán nội thân trên thân,... (cho đến) thọ, tâm và quán pháp. Đó gọi là do trụ tâm12 nơi bốn niệm xứ nên có thể an nhẫn và tỉnh giác dù bị nhiều đau đớn nơi thân.

Các vị Chân nhân cùng nhau đàm đạo xong, đã hoan hỷ và tùy hỷ rồi mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà ra về.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.540. 0140b26). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.541. 0140b13); S. 52.10 - V. 302.

[2] Là 3 ví dụ do Tỳ-kheo Sai-ma (差摩比丘) đã nói ở kinh số 103; Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0029c06). 12 Nguyên tác: Trụ ư tứ niệm xứ (住於四念處). Dựa trên câu hỏi “tâm trụ hà sở” (心住何所) ở đoạn trước, nên bản dịch đã bổ sung thêm chữ “tâm” (心) ở câu kinh này.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.