Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

558.  TRÍ CỨU CÁNH VÀ TRÍ CÔNG ĐỨC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan cũng đang ở cùng nơi ấy.

Khi ấy, có vị Tỳ-kheo thành tựu tâm vô tướng tam-muội, rồi nghĩ thầm: “Ta thử đến chỗ Tôn giả A-nan để hỏi Tôn giả: ‘Nếu có Tỳ-kheo thành tựu tâm vô tướng tam-muội không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì Thế Tôn nói tâm vô tướng tam-muội là quả gì, là công đức gì?’ Nếu Tôn giả A-nan hỏi lại ta: ‘Tỳ-kheo! Ông thành tựu tâm vô tướng tam-muội phải không?’ Khi được hỏi thật, ta chưa hề đáp khác đi. Thế nên, ta sẽ theo hầu Tôn giả A-nan may ra có người nào hỏi nghĩa này, nhân đó mà ta được nghe Tôn giả chỉ dạy.”

Tỳ-kheo ấy đi theo Tôn giả A-nan ròng rã suốt sáu năm, nhưng không gặp ai hỏi nghĩa này, thế nên mới tự hỏi Tôn giả A-nan:

_ Nếu Tỳ-kheo hỏi về tâm vô tướng tam-muội không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì Thế Tôn nói đó là quả gì, là công đức gì?

Tôn giả A-nan hỏi Tỳ-kheo ấy:

_ Tỳ-kheo! Ông thành tựu tam-muội này chăng?

Tỳ-kheo im lặng thật lâu. Tôn giả A-nan liền bảo vị Tỳ-kheo:

_ Nếu Tỳ-kheo thành tựu tâm vô tướng tam-muội không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì Thế Tôn nói đó là Trí cứu cánh, là Trí công đức.

Tỳ-kheo ấy nghe Tôn giả A-nan nói pháp này xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.[2]

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.558. 0146b01).

[2] Bản Hán, hết quyển 20.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.