Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 20
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật an trú trong rừng An Thiền,[2] tại thành Sa-kỳ.109
Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo-ni đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo-ni mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[3] Sau khi dạy xong, Ngài ngồi yên lặng.
Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật:
_ Bạch đức Thế Tôn! Nếu là tâm vô tướng tam-muội[4] không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới,[5] giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát, vậy thì tâm vô tướng tam-muội này có quả gì, có công đức gì thưa Thế Tôn?
Phật bảo các Tỳ-kheo-ni:
_ Nếu tâm vô tướng tam-muội không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì tâm vô tướng tam-muội này cũng là Trí cứu cánh,[6] là Trí công đức.
Các Tỳ-kheo-ni nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi ra về.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo-ni đi đến Tôn giả A-nan, cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Nếu tâm vô tướng tam-muội không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì theo Tôn giả, tâm vô tướng tam-muội này có quả gì, có công đức gì?
Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo-ni:
_ Thưa quý cô! Nếu tâm vô tướng tam-muội không hướng lên trên, không nghiêng xuống dưới, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát thì Thế Tôn nói tâm vô tướng tam-muội này cũng là Trí cứu cánh, là Trí công đức.
Các Tỳ-kheo-ni đều nói:
_ Kỳ lạ thay! Thưa Tôn giả A-nan! Đại sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng một ý vị, cùng một ý nghĩa. Đó gọi là đệ nhất cú nghĩa.
Hôm nay, các Tỳ-kheo-ni đến chỗ Thế Tôn, đem câu nói như thế, ý vị như thế, ý nghĩa như thế rồi thưa hỏi Thế Tôn. Thế Tôn cũng dùng câu nói như thế, ý vị như thế, ý nghĩa như thế để dạy cho chúng con, giống như Tôn giả không khác. Thế nên quả là kỳ đặc, vì Đại sư và đệ tử đều giống như nhau trong câu nói, ý vị và ý nghĩa.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni nghe Tôn giả A-nan dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.556. 145c18). Tham chiếu: A. 9.37 - IV. 426.
[2] Nguyên tác: An Thiền lâm (安禪林, Añjanavana). A. 9.37 - IV. 426. 109 Nguyên tác: Sa-kỳ thành (娑祇城, Sāketa). A. 9.37 - IV. 426.
[3] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
[4] Nguyên tác: Vô tướng tâm tam-muội (無想心三昧, animittaṃ cetosamādhiṃ), còn gọi là “vô tướng tâm định.” S. 40.9 - IV. 268 giải thích: “Vô tướng tâm định (animitto cetosamādhi), như vậy được nói đến. Thế nào là vô tướng tâm định? Và này chư Hiền, tôi suy nghĩ như sau: ‘Ở đây, Tỷ-kheo không tác ý tất cả tướng, chứng và trú vô tướng tâm định.’ Ðây gọi là vô tướng tâm định” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[5] Nguyên tác: Bất dũng, bất một (不涌, 不沒, na cābhinato na cāpanato).
[6] Nguyên tác: Trí quả (智果). Quả (果): Trạng từ, mang nghĩa cứu cánh (果, 猶竟也). Tham chiếu: A. 9.37 - IV. 426: Aññāphala, toàn trí (完全智), trí của bậc A-la-hán.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.