Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 20
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thôn Ha-lê của dòng họ Thích.
Khi ấy, gia chủ trưởng thôn Ha-lê đang lâm bệnh nặng. Nghe tin gia chủ trưởng thôn Ha-lê đang lâm bệnh nặng, thế nên vào lúc sáng sớm, Tôn giả Maha Ca-chiên-diên đắp y, ôm bát vào thôn Ha-lê của họ Thích khất thực, rồi tuần tự đến nhà gia chủ trưởng thôn Ha-lê.
Từ xa trông thấy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đến, gia chủ trưởng thôn Ha-lê đang nằm trên giường bệnh liền muốn đứng dậy.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên thấy thế liền bảo:
_ Gia chủ chớ đứng dậy! Vẫn còn chỗ ngồi sạch sẽ khác, tôi có thể tự ngồi nơi đó.
Tôn giả lại nói với gia chủ:
_ Thế nào, gặp phải bệnh tật, gia chủ có chịu đựng được không? Mọi thứ đau đớn nơi thân có thuyên giảm chăng? Không tăng thêm chứ?
Gia chủ Ha-lê đáp:
_ Thưa Tôn giả! Bệnh tình của con rất khó chịu, những nỗi đau đớn nơi thân càng tăng thêm mà không giảm bớt chút nào.
Gia chủ Ha-lê liền nói ba ví dụ như Kinh Tỳ-kheo Sai-ma[2] đã nói.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ Ha-lê:
_ Bởi thế, ông nên tu tập niềm tin thanh tịnh không lay chuyển[3] đối với đức Phật, tu tập niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Pháp, tu tập niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Tăng và tu tập niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Thánh giới. Nên tu tập như vậy.
Gia chủ Ha-lê đáp:
_ Như Phật đã dạy về bốn niềm tin thanh tịnh không lay chuyển thì con đã thành tựu hoàn toàn. Hôm nay, con đối với đức Phật đã thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, đối với Pháp đã thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, đối với Tăng đã thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển và đối với Thánh giới đã thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
_ Ông nên nương vào bốn niềm tin thanh tịnh không lay chuyển này và tu tập thêm sáu tùy niệm.[4] Gia chủ nên tùy niệm công đức của Phật, đó là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Tùy niệm công đức của Pháp, nghĩa là Chánh pháp của đức Thế Tôn thiết thực hiện tại, lìa các khổ não, vượt thoát thời gian,[5] nương vào giáo pháp tự mình giác ngộ.
Tùy niệm công đức của Tăng là bậc hướng về nẻo lành,[6] hướng về chân chánh,[7] hướng theo chân lý,[8] hướng đến thích hợp,[9] tu hạnh tùy thuận. Đó là bậc hướng Tu-đà-hoàn, chứng Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, chứng Tưđà-hàm; hướng A-na-hàm, chứng A-na-hàm; hướng A-la-hán, chứng A-la-hán. Như vậy gồm bốn đôi tám bậc,[10] là hàng đệ tử Tăng bảo của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là bậc phước điền vô thượng của thế gian, là nơi xứng đáng để cúng dường, cung kính, lễ bái.
Tùy niệm công đức của giới nghĩa là tự mình giữ gìn giới luật chân chánh, không hủy nhục, không khuyết mẻ, không đoạn dứt, không phá hoại, chẳng trộm giới; giới là cứu cánh, giới đáng khen ngợi, giới là Phạm hạnh, giới không bị ganh ghét.
Tùy niệm công đức bố thí, nghĩa là tự mình nghĩ đến việc bố thí thì lòng tự cảm thấy vui mừng vì xả bỏ xan tham. Tuy sống tại gia mà tâm bố thí được giải thoát, thường xuyên bố thí, vui vẻ khi bố thí, bố thí đầy đủ, bố thí bình đẳng.
Tùy niệm công đức của chư thiên, nghĩa là nghĩ về cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Ba Mươi Ba, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, với lòng tin và giới thanh tịnh, nếu như lâm chung ở đây thì được sanh lên các cõi trời kia. Ta cũng như thế, với sự thanh tịnh của tín, giới, thí, văn, tuệ thì khi lâm chung ở đây chắc chắn được sanh lên cõi trời đó.
Này gia chủ! Như vậy gọi là nương vào bốn niềm tin hoàn toàn trong sạch và cả sáu pháp tùy niệm.
Gia chủ thưa với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:
_ Thế Tôn đã dạy nương vào bốn niềm tin thanh tịnh không lay chuyển và cả sáu pháp tùy niệm thì con đã thành tựu tất cả. Hiện con đang tu tập tùy niệm công đức của Phật, tùy niệm công đức của Pháp, tùy niệm công đức của Tăng, tùy niệm công đức của giới, tùy niệm công đức của thí và tùy niệm công đức của chư thiên.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:
_ Lành thay! Này gia chủ! Ông tự mình tuyên bố đã thành tựu quả vị A-na-hàm.
Lúc ấy, gia chủ Ha-lê thưa:
_ Kính thỉnh Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ở lại đây thọ trai!
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên im lặng nhận lời.
Gia chủ trưởng thôn Ha-lê biết Tôn giả đã nhận lời, liền bày biện đầy đủ thức ăn ngon, tự tay cúng dường. Thọ trai xong, sau khi rửa bát, súc miệng, Tôn giả vì gia chủ Ha-lê mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ[11] xong, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.554. 0145a24).
[2] Ba ví dụ này được đề cập trong kinh số 103; Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0029c07) gọi là Tỳ-kheo Sai-ma
(差摩比丘).
[3] Bất hoại tịnh (不壞淨, aveccappasāda). Xem chú thích 10, kinh số 344, quyển 14, tr. 397; Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094b02).
[4] Nguyên tác: Lục niệm (六念), sáu niệm này chỉ cho sáu tùy niệm (cha anussati).
[5] Nguyên tác: Phi thời thông đạt (非時通達).
[6] Nguyên tác: Thiện hướng (善向, suppaṭipanna), hướng về sự tốt lành.
[7] Nguyên tác: Chánh hướng (正向, ujuppaṭipanna), hướng về sự chân chánh.
[8] Nguyên tác: Trực hướng (直向, ñāyappaṭipanna), hướng theo chân lý.
[9] Nguyên tác: Đẳng hướng (等向, sāmīcippaṭipanna), hướng về sự thích đáng. Có quan điểm cho rằng hướng đến sự bình đẳng.
[10] Nguyên tác: Tứ song bát sĩ (四雙八士, cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā).
[11] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.