Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

553.  KHÔNG CÒN CHẤP THỦ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ở trong tinh xá họ Thích tại thôn Ha-lê.

Khi ấy, gia chủ trưởng thôn Ha-lê đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, lạy sát chân Tôn giả rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Lúc Thế Tôn ẩn cư ở hang đá núi Cách Giới đã nói với Thiên Đế-thích rằng: “Này Kiêu-thi-ca! Sa-môn, Bà-la-môn do sự đoạn tận mọi khát ái nên được giải thoát, tâm đã giải thoát hoàn toàn,[2] đạt đến chỗ cứu cánh tối hậu, cứu cánh không nhơ, cứu cánh Phạm hạnh, hoàn toàn thanh tịnh.”

Ở trong giáo pháp này, làm thế nào để đạt đến chỗ cứu cánh tối hậu, cứu cánh không nhơ, cứu cánh Phạm hạnh, hoàn toàn thanh tịnh?

Tôn giả Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

_ Vì chấp thủ cảnh giới tâm pháp nên cảm quan thuộc con mắt của vị Tỳkheo bị dính mắc, trói buộc, sai sử. Nếu sự chấp thủ này được dứt sạch, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh và ngưng nghỉ sẽ đạt đến chỗ cứu cánh tối hậu, cứu cánh không nhơ, cứu cánh Phạm hạnh, hoàn toàn thanh tịnh ở trong giáo pháp này.

Vì chấp thủ cảnh giới tâm pháp nên những cảm quan thuộc tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức bị dính mắc, trói buộc, sai sử. Nếu sự chấp thủ này được dứt sạch, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh và ngưng nghỉ sẽ đạt đến chỗ cứu cánh tối hậu, cứu cánh không nhơ, cứu cánh Phạm hạnh, hoàn toàn thanh tịnh ở trong giáo pháp này.

Bấy giờ, gia chủ trưởng thôn Ha-lê nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi ra về.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.553. 0145a08). Tham chiếu: S. 35.130 - IV. 115.

[2] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.