Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

551.  GIA CHỦ THÔN HA-LÊ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ở trong tinh xá họ Thích tại thôn Ha-lê.[2]

Khi ấy, gia chủ[3] thôn Ha-lê đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, lạy sát chân Tôn giả rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Như bài kệ mà Thế Tôn dùng để trả lời câu hỏi của Ma-kiền-đề[4] ở trong “Nghĩa phẩm”:[5]

Dứt sạch hết các dòng,[6]          

Cũng lấp nguồn của chúng.

Sống thân cận xóm làng,                                               

Đức Phật73 chẳng ngợi khen.

Năm dục đã trống không,                                              

Không còn đầy trở lại,

Lời tranh tụng thế gian,            

Chung cuộc không làm nữa.

Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Bài kệ này có ý nghĩa như thế nào?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

- Này gia chủ! Dòng chảy của mắt nghĩa là nhãn thức khởi tham, nương nơi cảm quan thuộc con mắt[7] mà tham dục chảy trào ra nên gọi là tuôn chảy. Tai, mũi, lưỡi, thân,... dòng chảy của ý, nghĩa là ý thức khởi tham, nương nơi cảm quan thuộc về ý thức mà tham dục chảy trào ra nên gọi là tuôn chảy.

Gia chủ lại hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

- Thế nào gọi là không tuôn chảy?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

- Nghĩa là nhãn thức và sắc được nhận biết bởi nhãn thức, nương đó rồi sanh ra tham ái, sanh ra vui mừng; nếu tham ái và vui mừng được dứt sạch, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh và ngưng nghỉ[8] thì đó gọi là không tuôn chảy.

Tai, mũi, lưỡi, thân,... ý, ý thức và các pháp được nhận biết bởi ý thức, nương đó rồi sanh ra tham dục; nếu tham dục ấy được dứt sạch, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh và ngưng nghỉ thì đó gọi là không tuôn chảy.

- Thế nào gọi là nguồn của dòng chảy?[9]

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

- Nghĩa là mắt duyên với sắc sanh ra nhãn thức, ba yếu tố này hòa hợp[10] sanh ra xúc. Duyên xúc sanh ra cảm thọ, gồm cảm thọ vui, cảm thọ khổ và cảm thọ không vui không khổ; nương vào đây mà thành nguồn nhiễm trước.

Tai, mũi, lưỡi, thân,... ý, ý thức và các pháp được nhận biết bởi ý thức, ba yếu tố này[11] hòa hợp sanh ra xúc. Duyên xúc sanh ra cảm thọ, gồm cảm thọ vui, cảm thọ khổ và cảm thọ không vui không khổ. Nương vào những cảm thọ đó mà sanh ra dòng chảy của tham ái và vui mừng. Đó gọi là nguồn của dòng chảy.

- Thế nào gọi là lấp bít nguồn của dòng chảy ấy?

- Nghĩa là vì chấp thủ cảnh giới tâm pháp[12] nên cảm quan thuộc con mắt bị dính mắc, trói buộc, sai sử.[13] Nếu sự chấp thủ này được dứt sạch, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh và ngưng nghỉ[14] thì đó gọi là lấp bít nguồn của dòng chảy.

Cũng vì chấp thủ cảnh giới tâm pháp nên cảm quan thuộc tai, mũi, lưỡi, thân, ý bị dính mắc, trói buộc, sai sử. Nếu sự chấp thủ này được dứt sạch, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh và ngưng nghỉ thì đó gọi là lấp bít nguồn của dòng chảy.

- Thế nào là thân cận và khen ngợi nhau?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

- Hàng tại gia và hàng xuất gia cùng nhau thân cận, cùng nhau vui mừng, cùng nhau lo lắng, cùng vui với nhau và thọ khổ cùng nhau, việc gì cũng đều làm chung. Đó là thân cận và khen ngợi nhau.

- Thế nào là không khen ngợi?

- Hàng tại gia và hàng xuất gia không cùng nhau thân cận, không cùng nhau vui mừng, không cùng nhau lo lắng, không cùng nhau chịu khổ, không cùng nhau hưởng vui, không phải vì thân ái nhau mà làm mọi việc. Đó gọi là không thân cận và khen ngợi nhau.

- Thế nào gọi là dục chẳng trống không?[15]

- Nghĩa là đối với năm loại dục,[16] tức là mắt phân biệt sắc rồi tăng trưởng ham muốn, ưa thích, nghĩ nhớ nên càng nhiễm trước sâu nặng vào ái dục. Tai phân biệt âm thanh, mũi phân biệt mùi, lưỡi phân biệt vị, thân phân biệt xúc trần rồi tăng trưởng ham muốn, ưa thích, nghĩ nhớ nên càng nhiễm trước sâu nặng vào ái dục. Đối với năm loại dục này mà không lìa tham, không lìa ái, không lìa nghĩ nhớ, không lìa khao khát, đó gọi là dục chẳng trống không.

- Thế nào gọi là dục đã trống không?[17]

- Nghĩa là đối với năm loại dục này lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa nghĩ nhớ, lìa khao khát. Đó gọi là dục đã trống không.

Khi nói rằng ngã bị dính mắc, bị trói buộc, bị sai sử thì đó gọi là pháp trong tâm bị lấp đầy trở lại. Vị Tỳ-kheo A-la-hán là bậc đã trừ sạch các lậu hoặc, đoạn dứt gốc rễ như chặt đứt ngọn cây đa-la,[18] vì không còn tái sanh trở lại trong đời vị lai nữa thì làm sao có thể cùng với kẻ khác tranh tụng?

Thế nên, đức Thế Tôn nói bài kệ trong “Nghĩa phẩm” để trả lời câu hỏi của Ma-kiền-đề:

Dứt sạch hết các dòng,             

Cũng lấp nguồn của chúng.

Sống thân cận xóm làng,                                               

Đức Phật chẳng ngợi khen.

Năm dục đã trống không,                                               

Không còn đầy trở lại,

Lời tranh tụng thế gian,            

Chung cuộc không làm nữa.

Đó là ý nghĩa của bài kệ do Như Lai nói được giải thích như thế.

Bấy giờ, gia chủ thôn Ha-lê khi nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi ra về.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.551. 0144a28). Tham chiếu: S. 22.3 - III. 9.

[2] Nguyên tác: Ha-lê (訶梨, Hāliddakāni).

[3] Nguyên tác: Trưởng giả (長者), cũng gọi là “cư sĩ” (居士, gahapati), tức người chủ nhà.

[4] Ma-kiền-đề (摩揵提, Māgaṇḍiya).

[5] Nguyên tác: Nghĩa phẩm (義品, Aṭṭhakavagga). Xem thêm Sn. 4.8 - 162: HT. Thích Minh Châu dịch cụm từ Aṭṭhakavagga là phẩm Tám. Ở đây, aṭṭha cũng có nghĩa là số 8 và cũng có nghĩa là ý nghĩa. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1321. 0362c12) dịch Aṭṭhakavagga là Nghĩa phẩm (義品). Bài kệ này trong Sn. 4.8 - 162, kệ 844 khác biệt vài chỗ.

[6] Nguyên tác: Mâu-ni (牟尼, Munī).

[7] Nguyên tác: Nhãn giới (眼界, cakkhudhātu), những yếu tố, những cảm quan thuộc con mắt.

[8] Nguyên tác: Tận, vô dục, diệt, tức, một (盡, 無欲, 滅, 息, 沒). Tham chiếu: Phân biệt lục giới kinh 分別六界經 (T.01. 0026.162. 0692a18) ghi: Tận, vô dục, diệt, tức, chỉ (盡, 無欲, 滅, 息, 止).

[9] Nguyên tác: Vân hà (云何). Để bản thiếu túc từ, căn cứ vào hai chữ “lưu nguyên” (流源) ở câu trả lời, nên thêm vào cho đủ.

[10] Nguyên tác: Tam sự hòa hợp sanh xúc (三事和合生觸, tiṇṇaṃ saṅgati phasso): Ba sự hòa hợp đó là mắt, sắc và thức.

[11] Tam sự hòa hợp sanh xúc (三事和合生觸), tức ý, ý thức và các pháp.

[12] Nguyên tác: Tâm pháp cảnh giới (心法境界), thuộc phạm vi, thuộc giới vức của sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

[13] Nguyên tác: Hệ trước sử (繫著使). Hệ (繫, paligedha), trước (著, vinibandha), sử (使, anusaya).

[14] Nguyên tác: Tận, vô dục, diệt, tức, một (盡, 無欲, 滅, 息, 沒). Tham chiếu: Phân biệt lục giới kinh 分別六界經 (T.01. 0026.162. 0692a18) ghi: Tận, vô dục, diệt, tức, chỉ (盡, 無欲, 滅, 息, 止).

[15] Nguyên tác: Bất không dục (不空欲), chưa hết lòng tham muốn.

[16] Nguyên tác: Ngũ dục công đức (五欲功德, pañca kāmaguṇā). Xem chú thích 66, kinh số 211, quyển 8, tr. 233; Tạp. 雜 (T.02. 0099.211. 0053a26).

[17] Nguyên tác: Không dục (空欲), dứt sạch lòng tham muốn.

[18] Nguyên tác: Như tiệt đa-la thọ đầu (如截多羅樹頭, tālāvatthukata).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.