Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 20
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cũng ở tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo:
– Đức Phật là đấng Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng,[2] Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết dạy về sáu pháp thoát khỏi chốn khổ, lên chỗ thù thắng, dạy về con đường trực tiếp[3] khiến cho các chúng sanh được thanh tịnh, lìa mọi khổ não, dứt hẳn buồn lo, được pháp chân như. Những gì là sáu?
Đó là vị Thánh đệ tử tùy niệm về các công hạnh của đức Như Lai, Ứng
Cúng, Đẳng Chánh Giác, nghĩ rằng[4] đây là đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị Thánh đệ tử nhờ nghĩ về các công hạnh của đức Như Lai nên xa lìa tưởng tham dục,[5] xa lìa tưởng sân hận,[6] xa lìa tưởng não hại.58 Như vậy, vị Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Những gì làm cho tâm nhiễm trước? Đó là năm loại dục. Nếu đối với năm loại dục này mà xa lìa tham, xa lìa sân, xa lìa si, an trụ chánh niệm tỉnh giác, nương vào chánh đạo, tu tập niệm Phật, thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết dạy về con đường thứ nhất thoát khỏi chốn khổ, lên chỗ thù thắng, khiến chúng sanh thanh tịnh, lìa mọi khổ não, dứt hẳn buồn lo, được pháp như thật.
Lại nữa! Vị Thánh đệ tử tùy niệm về Chánh pháp, nghĩ về giáo pháp của đức Thế Tôn, thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu. 59 Khi vị Thánh đệ tử nghĩ về Chánh pháp này thì khi ấy không khởi tưởng tham dục, sân hận và tưởng não hại. Như vậy, vị Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Những gì làm cho tâm nhiễm trước? Đó là năm loại dục. Nếu đối với năm loại dục này mà xa lìa tham, xa lìa sân, xa lìa si, an trụ chánh niệm tỉnh giác, nương vào chánh đạo, tu tập niệm Pháp, thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết dạy về con đường thứ hai thoát khỏi chốn
khổ, lên chỗ thù thắng, khiến chúng sanh thanh tịnh, lìa mọi khổ não, dứt hẳn buồn lo, được pháp như thật.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử tùy niệm về Tăng,[7] bậc hướng về đường lành,[8] hướng về chân chánh,[9] hướng theo chân lý,[10] hướng đến thích hợp,[11] tu
hạnh tùy thuận. Đó là bậc hướng Tu-đà-hoàn, chứng Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, chứng Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, chứng A-na-hàm; hướng A-la-hán, chứng A-la-hán. Như vậy gồm bốn đôi tám bậc,[12] đều là hàng đệ tử Tăng bảo của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là bậc phước điền vô thượng của thế gian, là nơi cúng dường, cung kính, lễ bái. Khi vị Thánh đệ tử nghĩ về Tăng như vậy thì khi ấy, vị Thánh đệ tử không khởi tưởng tham dục, sân hận và tưởng não hại. Như vậy, vị Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Những gì làm cho tâm nhiễm trước? Đó là năm loại dục. Nếu đối với năm loại dục này mà xa lìa tham, xa lìa sân, xa lìa si, an trụ chánh niệm tỉnh giác, nương vào chánh đạo, tu tập niệm Tăng, thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết dạy về con đường thứ ba thoát khỏi chốn khổ, lên chỗ thù thắng, khiến chúng sanh thanh tịnh, lìa mọi khổ não, dứt hẳn buồn lo, được pháp như thật.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử tùy niệm về giới đức, nghĩ về giới không khuyết, giới không đoạn, giới thuần hậu, giới không lìa, giới không trộm lấy, giới tốt đẹp hoàn thiện, giới đáng tán thán, giới được bậc Phạm hạnh không chán ghét. Khi vị Thánh đệ tử tùy niệm giới như vậy, tự nghĩ giới đã thành tựu trong thân thì ngay lúc ấy sẽ không khởi tưởng tham dục, sân hận và tưởng não hại. Như vậy, vị Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Những gì làm cho tâm nhiễm trước? Đó là năm loại dục. Nếu đối với năm loại dục này
mà xa lìa tham, xa lìa sân, xa lìa si, an trụ chánh niệm tỉnh giác, nương vào chánh đạo, tu tập niệm giới, thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết dạy về con đường thứ tư thoát khỏi chốn khổ, lên chỗ thù thắng, khiến chúng sanh thanh tịnh, lìa mọi khổ não, dứt hẳn buồn lo, được pháp như thật.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử tự mình tùy niệm thí,66 tâm tự vui mừng vì hôm nay ta đã xa lìa cấu uế, xan tham, tuy sống tại gia mà tâm thí rộng mở, thường hành bố thí, thí với tâm buông xả, thí với tâm vui vẻ, bố thí đầy đủ, bố thí bình đẳng. Khi vị Thánh đệ tử tự mình tùy niệm thí thì không khởi tưởng tham dục, sân hận và tưởng não hại. Như vậy, vị Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Những gì làm cho tâm nhiễm trước? Đó là năm loại dục. Nếu đối với năm loại dục này mà xa lìa tham, xa lìa sân, xa lìa si, an trụ chánh niệm tỉnh giác, nương vào chánh đạo, tu tập niệm thí, thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết dạy về con đường thứ năm thoát khỏi chốn khổ, lên chỗ thù thắng, khiến chúng sanh thanh tịnh, lìa mọi khổ não, dứt hẳn buồn lo, được pháp như thật.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử tùy niệm công đức của chư thiên, nghĩ về cõi trời
Tứ Thiên Vương, cõi trời Ba Mươi Ba, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại với lòng tin thanh tịnh rằng, nếu lâm chung ở đây thì được sanh lên các cõi trời kia. Ta cũng như thế, với tín, giới, thí, văn, tuệ thì khi lâm chung ở đây chắc chắn sẽ được sanh lên cõi trời đó. Như vậy, khi vị Thánh đệ tử tùy niệm công đức chư thiên thì khi ấy không khởi tưởng tham dục, sân hận và tưởng não hại. Như vậy, vị Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Những gì làm cho tâm nhiễm trước? Đó là năm loại dục. Nếu đối với năm loại dục này mà xa lìa tham, xa lìa sân, xa lìa si, an trụ chánh niệm tỉnh giác, nương vào chánh đạo, tu tập niệm thiên thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết dạy về con đường thứ sáu thoát khỏi chốn khổ, lên chỗ thù thắng, khiến chúng sanh thanh tịnh, lìa mọi khổ não, dứt hẳn buồn lo, được pháp như thật.
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe như vậy đều hoan hỷ phụng hành.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18). Tham chiếu: A. 6.26 - III. 314.
[2] Nguyên tác: Ứng (應). P. Arahaṃ, Arahant.
[3] Nguyên tác: Nhất thừa đạo (一乘道, ekāyanamagga). Xem chú thích 66, kinh số 535, quyển 19, tr. 591; Tạp. 雜 (T.02. 0099.535. 0139a16).
[4] Nguyên tác: Tịnh Như Lai (淨如來),... Có khả năng để bản chép nhầm. Học giả Trang Xuân Giang (莊春江) trong trang www.agama.buddhason.org gợi ý sửa chữ “tịnh” (淨) bằng chữ “niệm” (念).
[5] Nguyên tác: Tham dục giác (覺), cách viết khác của “tham dục tưởng” (貪欲想).
[6] Nguyên tác: Sân khuể giác (瞋恚覺), cách viết khác của “sân tưởng” (瞋想). 58 Nguyên tác: Hại giác (害覺), cách viết khác của “não tưởng” (惱想).
[7] Nguyên tác: Tăng pháp (僧法), Tăng đúng chuẩn mực.
[8] Nguyên tác: Thiện hướng (善向, suppaṭipanna), hướng về sự tốt lành.
[9] Nguyên tác: Chánh hướng (正向, ujuppaṭipanna), hướng về sự chân chánh.
[10] Nguyên tác: Trực hướng (直向, ñāyappaṭipanna), hướng theo chân lý.
[11] Nguyên tác: Đẳng hướng (等向, sāmīcippaṭipanna), hướng về sự thích đáng. Có quan điểm cho rằng, đó là hướng đến sự bình đẳng.
[12] Nguyên tác: Tứ song bát sĩ (四雙八士, cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā). 66 Nguyên tác: Thí pháp (施法), phương cách và tâm thế khi bố thí.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.