Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 20
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Lúc ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thị trấn Câu-la-la-tra,[2] thuộc nước A-bàn-đề.[3]
Vào lúc sáng sớm, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đắp y, ôm bát, đi vào thị trấn Câu-la-la-tra tuần tự khất thực rồi đến nhà nữ cư sĩ[4] Ca-lê-ca.[5]
– Như Thế Tôn đã nói để đáp lại câu hỏi của đồng nữ Tăng-kỳ-đa.[6] Thế Tôn nói kệ cho đồng nữ Tăng-kỳ-đa như sau:
Thật nghĩa ở tại tâm,
Tịch diệt mà chẳng loạn,
Hàng phục các sức mạnh,
Sắc đoan chánh đáng yêu,
Độc tọa để nhất tâm,
Nếm thiền lạc vi diệu.
Như thế là xa lìa,
Mọi thế gian bè bạn,
Các bè bạn như thế,
Không còn phiền Ta nữa.
Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, bài kệ của Thế Tôn có ý nghĩa như thế nào?
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp nữ cư sĩ:
– Này nữ cư sĩ![7] Có Sa-môn, Bà-la-môn nói: Định về biến xứ là đất,[8] đây là định không gì hơn, do đó nên cầu quả vị này. Này nữ cư sĩ! Nếu như Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với định về biến xứ là đất mà đạt được thanh tịnh rõ ràng sẽ thấy rõ căn nguyên của chúng,[9] thấy rõ sự tai hại, thấy rõ sự diệt tận và thấy rõ con đường đưa đến sự diệt tận. Vì thấy rõ căn nguyên của chúng, thấy rõ sự tai hại, thấy rõ sự diệt tận và thấy rõ con đường đưa đến sự diệt tận nên [họ] đạt được mục đích chân thật, tâm được tịch diệt, không loạn động.
Này nữ cư sĩ! Cũng vậy, định về biến xứ là nước, biến xứ là lửa, biến xứ là gió, biến xứ là màu xanh, biến xứ là màu vàng, biến xứ là màu đỏ, biến xứ là màu trắng, biến xứ là hư không, biến xứ là thức, là không có gì hơn, do đó nên cầu quả vị này.
Này nữ cư sĩ! Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với định về biến xứ là thức mà đạt được thanh tịnh rõ ràng sẽ thấy rõ căn nguyên của chúng, thấy rõ sự tai hại, thấy rõ sự diệt tận và thấy rõ con đường đưa đến sự diệt tận. Vì thấy rõ căn nguyên của chúng, thấy rõ sự tai hại, thấy rõ sự diệt tận và thấy rõ con đường đưa đến sự diệt tận nên [họ] đạt được mục đích chân thật, tâm được tịch diệt, không loạn động, khi đã khéo thấy thì liền khéo vào.
Do đó, Thế Tôn nói bài kệ trả lời đồng nữ Tăng-kỳ-đa:
Thật nghĩa ở tại tâm,
Tịch diệt mà chẳng loạn,
Hàng phục các sức mạnh,
Sắc đoan chánh đáng yêu,
Độc tọa để nhất tâm,
Nếm thiền lạc vi diệu.
Như thế là xa lìa,
Mọi thế gian bè bạn,
Các bè bạn như thế,
Không còn phiền Ta nữa.
Thật vậy, này nữ cư sĩ! Tôi hiểu Thế Tôn do nghĩa như trên nên nói bài kệ ấy.
Nữ cư sĩ nói:
– Lành thay, thưa Tôn giả! Tôn giả đã nói nghĩa chân thật. Xin Tôn giả nhận lời thỉnh trai của con!
Lúc ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên yên lặng nhận lời.
Bấy giờ, nữ cư sĩ Ca-lê-ca biết Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đã nhận lời thỉnh trai rồi, liền sắm sửa các món ăn thức uống ngon lành, cung kính, tôn trọng, tự tay dâng cúng thức ăn.
Khi ấy, nữ cư sĩ biết Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đã thọ thực, rửa bát, súc miệng xong, liền trải một chỗ ngồi thấp ở trước Tôn giả, cung kính nghe pháp. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên vì nữ cư sĩ Ca-lê-ca mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ[10] xong, Tôn giả rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.549. 0143a02). Tham chiếu: A. 10.26 - V. 46.
[2] Câu-la-la-tra tinh xá (拘羅羅咤精舍). Tạp. 雜 (T.02. 0099.549. 0143a04) chiết tự từ nguyên ngữ Kuraraghara, thành 2 thành tố Kurara (拘羅羅咤) và ghara (精舍). Kuraraghara vốn là một thị trấn (nagara) của nước A-bàn-đề (阿槃提, Avanti). Chính vì vậy đoạn sau mới ghi là “nhập Câu-la-la-tra tinh xá” (入拘羅羅咤精舍), tức là đi vào thị trấn Câu-la-la-tra.
[3] A-bàn-đề (阿槃提, Avanti).
[4] Nguyên tác: Ưu-bà-di (優婆夷, upāsika).
[5] Ca-lê-ca (迦梨迦, Kāḷī).
[6] Tăng-kỳ-đa đồng nữ (僧耆多童女). A. 10.26 - V. 46: Không xác định người đồng nữ nào mà chỉ nói những người đồng nữ đã hỏi (kumāripañhesu). Nghi vấn “Tăng-kỳ-đa” (僧耆多) không phải tên riêng mà có thể là cách phiên âm từ saṅghika, với nghĩa ban đầu là đại chúng.
[7] Nguyên tác: Tỷ muội (姊妹).
[8] Nguyên tác: Địa nhất thiết nhập xứ chánh thọ (地一切入處正受, pathavīkasiṇasamāpatti). Thiền định lấy đối tượng phổ biến là đất làm đề mục quán tưởng.
[9] Nguyên tác: Kiến kỳ bổn (見其本). Pāli, bản Tích-lan: Ādimaddasa (thấy rõ sự tập khởi).
[10] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105;Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.