Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

548.  NGHIỆP LÀ CHÂN THẬT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Khi ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong Trù Lâm.[2]

Bấy giờ, Quốc vương Ma-thâu-la[3] là vương tử Tây Phương[4] đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên và hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên rằng:

_ Dòng Bà-la-môn tự cho rằng: “Ta là bậc nhất còn kẻ khác thì thấp kém, ta thì trắng còn kẻ khác thì đen, Bà-la-môn là thanh tịnh, ngoài Bà-la-môn không có thanh tịnh. Bà-la-môn là con của Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên,[5] do Phạm thiên hóa ra,[6] nên thuộc về Phạm thiên.” Thưa Tôn giả Ma-ha Cachiên-diên! Nghĩa này thì như thế nào?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói với Vua Ma-thâu-la:

_ Thưa Đại vương! Đó là lý lẽ của thế gian. Thế gian cho rằng: “Bà-lamôn là bậc nhất còn kẻ khác là thấp kém. Bà-la-môn thì trắng còn kẻ khác thì đen, Bà-la-môn là thanh tịnh, ngoài Bà-la-môn không có thanh tịnh. Bà-la-môn được Phạm thiên sanh ra, sanh ra từ miệng của Phạm thiên, do Phạm thiên hóa ra nên thuộc về Phạm thiên.” Đại vương nên biết, nghiệp là chân thật, nghiệp là chỗ nương tựa.

Vua nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Tôn giả nói sơ lược quá nên tôi chưa hiểu rõ, xin Tôn giả giải thích và giảng bày thêm cho!

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

_ Bây giờ, tôi sẽ hỏi Đại vương! Đại vương hãy tùy theo câu hỏi mà trả lời.

Rồi Tôn giả liền hỏi:

_ Thưa Đại vương! Ngài là vị vua xuất thân từ dòng Bà-la-môn, ở tại đất nước của ngài gồm có các hàng Bà-la-môn, Sát-lợi, cư sĩ, trưởng giả; khi tất cả bốn chủng tánh này được vua mời đến thì nhà vua có thể dùng tiền của, dùng thế lực bắt họ hầu hạ, khiến họ ngủ sau dậy trước và ra lệnh cho họ làm các việc, tất cả đều được như ý chăng?

Vua đáp:

_ Đều được như ý.

Tôn giả lại hỏi:

_ Tâu Đại vương! Nếu Sát-lợi là vua, cư sĩ là vua, trưởng giả là vua, ở tại đất nước mình. Khi tất cả bốn chủng tánh này được vua mời đến, nhà vua có thể dùng tiền của, dùng thế lực bắt họ hầu hạ, khiến họ ngủ sau dậy trước và ra lệnh cho họ làm các việc, tất cả đều được như ý chăng?

Vua đáp:

_ Đều được như ý.

_ Thưa Đại vương! Như vậy thì bốn chủng tánh thảy đều bình đẳng, nào có sai biệt gì. Đại vương nên biết! Bốn chủng tánh thảy đều bình đẳng, không có hơn thua, khác biệt, đặc thù.

Vua Ma-thâu-la nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Thưa Tôn giả! Thật đúng như thế, bốn chủng tánh đều bình đẳng, không có gì hơn thua hay khác biệt.

_ Vì thế, Đại vương nên biết, theo lý lẽ của thế gian thì bốn chủng tánh có sai khác... (cho đến) nghiệp là chỗ nương tựa chân thật, không có sai khác vậy.

Lại nữa Đại vương, ở đất nước này, nếu trong dòng Bà-la-môn có người trộm cướp thì nhà vua phân xử như thế nào?

Vua đáp Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Trong dòng Bà-la-môn nếu có người trộm cướp thì sẽ bị đánh, hoặc bị trói, hoặc bị đuổi ra khỏi nước, hoặc bị phạt tiền, hoặc bị cắt đứt tay, chân, tai, mũi, nếu phạm tội nặng thì sẽ bị giết chết. Kẻ trộm đó dù thuộc dòng Bà-la-môn thì cũng bị gọi là giặc.

Tôn giả lại hỏi:

_ Thưa Đại vương, nếu trong dòng Sát-lợi, cư sĩ, trưởng giả có kẻ trộm cướp thì nhà vua phân xử như thế nào?

Vua đáp Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Cũng bị đánh, cũng bị trói, cũng bị đuổi ra khỏi nước, cũng bị phạt tiền, cũng bị cắt đứt tay, chân, tai, mũi, nếu phạm tội nặng thì bị giết chết.

_ Như vậy, thưa Đại vương! Có phải chăng bốn chủng tánh đều bình đẳng hay là có gì sai khác?

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Theo đúng nghĩa thì thật sự không có gì hơn thua hay khác biệt.

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên lại nói với vua:

_ Đại vương nên biết! Đối với bốn chủng tánh ấy, theo lý lẽ của thế gian thì cho rằng: “Bà-la-môn là bậc nhất, còn những người khác đều thấp kém, Bà-lamôn thì trắng, còn những người khác thì đen, Bà-la-môn thanh tịnh, ngoài Bàla-môn không có thanh tịnh.” Phải chăng nghiệp là chỗ nên nương tựa, nương tựa vào nghiệp là chân thật chăng?

Tôn giả lại hỏi:

_ Đại vương, người Bà-la-môn sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời thô ác, nói hai chiều, nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến, tạo mười nghiệp bất thiện sẽ sanh vào cõi ác hay vào cõi lành? Đại vương đã nghe được những gì từ lời dạy của bậc A-la-hán?[7]

Vua đáp Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Bà-la-môn tạo mười nghiệp bất thiện sẽ đọa vào đường ác. Đấng A-la-hán đã dạy và tôi đã nghe như thế. Đối với hàng Sát-lợi, cư sĩ, trưởng giả thì Ngài cũng dạy như thế.

Tôn giả lại hỏi:

_ Thưa Đại vương! Nếu Bà-la-môn làm mười nghiệp lành, như lìa sát sanh,... (cho đến) chánh kiến sẽ sanh nơi đâu? Ở cõi lành hay cõi ác? Đại vương đã nghe được những gì từ lời dạy của bậc A-la-hán?

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Nếu Bà-la-môn làm mười nghiệp lành sẽ sanh vào cõi lành. Đấng A-lahán đã dạy và tôi đã nghe như thế. Đối với hàng Sát-lợi, cư sĩ, trưởng giả, Ngài cũng dạy như thế.

Tôn giả lại hỏi:

_ Thế nào, thưa Đại vương, như vậy bốn chủng tánh là bình đẳng hay không bình đẳng? Có gì hơn thua hay khác biệt chăng?

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Theo đúng nghĩa thì quả là bình đẳng, không có gì hơn thua hay khác biệt.

_ Do vậy, Đại vương nên biết! Bốn chủng tánh này đều bình đẳng, không có gì hơn thua hay khác biệt. Vì theo lý lẽ của thế gian nên mới nói: “Bà-la-môn là bậc nhất, còn kẻ khác là thấp kém, Bà-la-môn thì trắng còn kẻ khác thì đen, Bàla-môn là thanh tịnh, ngoài Bà-la-môn không có thanh tịnh. Bà-la-môn được Phạm thiên sanh ra, sanh ra từ miệng của Phạm thiên, do Phạm thiên hóa ra nên thuộc về Phạm thiên.” Phải biết nghiệp là chân thật, nghiệp là chỗ nương tựa.

Vua nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Đúng như những điều Tôn giả vừa nói, vì hết thảy lý lẽ của thế gian cho rằng: “Bà-la-môn là hơn hết, còn kẻ khác là thấp kém, Bà-la-môn thì trắng còn kẻ khác thì đen, Bà-la-môn là thanh tịnh, ngoài Bà-la-môn không có thanh tịnh. Bà-la-môn được Phạm thiên sanh ra, sanh ra từ miệng của Phạm thiên, do Phạm thiên hóa ra nên thuộc về Phạm thiên.” Thật sự là hết thảy đều do nghiệp, đều nương tựa nơi nghiệp.

Vua Ma-thâu-la nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên dạy xong đã hoan hỷ và tùy hỷ rồi kính lễ mà ra về.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.548. 0142a18). Tham chiếu: M. 84, Madhura Sutta (Kinh Madhura).

[2] Nguyên tác: Trù Lâm (稠林, Gundāvana). Tham khảo: M. 84, Madhura Sutta (Kinh Madhura).

[3] Ma-thâu-la (摩偷羅, Mādhura).

[4] Nguyên tác: Tây Phương vương tử (西方王子), dịch nghĩa của từ Avantiputta. Avanti thường được phiên âm là A-bàn-đề (阿槃提), một quốc gia nằm ở phía Tây Ấn Độ thời cổ.

[5] Nguyên tác: Bà-la-môn (婆羅門). Bản Hán lẫn lộn về 2 nghĩa của Brahma. Có trường hợp Brahma dùng như nghĩa “Bà-la-môn” (婆羅門) và có trường hợp Brahma dùng theo nghĩa “Phạm thiên” (梵天). Trường hợp này chính là “Phạm thiên” (梵天).

[6] Nguyên tác: Bà-la-môn sở hóa (婆羅門所化, Brahmanimmitā).

[7] Nguyên tác: Ư A-la-ha sở vi hà sở văn (於阿羅呵所為何所聞). A-la-ha (阿羅呵), bậc A-la-hán (Arahant); sở vi (所為), dùng như chữ “sở tác” (所作). Tham chiếu: M. 84, Madhura Sutta (Kinh Madhura): Evaṃ me ettha hoti, evañca pana me etaṃ arahataṃ sutaṃ (Ở đây, đối với tôi là vậy, và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán), HT. Thích Minh Châu dịch.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.