Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

547.  NGƯỜI THIẾU NIÊN VÀ BẬC TÔN TÚC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thôn Bà-la-na,[2] bên bờ hồ Ô-nê, vì việc sửa sang y phục nên cùng với chúng Tỳ-kheo tập hợp ở nhà ăn.

Lúc đó, có Phạm chí tuổi già, các căn suy yếu nên phải chống gậy đến chỗ nhà ăn. Vị ấy chống gậy đứng sang một bên, sau khi yên lặng chốc lát, ông mới nói với các Tỳ-kheo:

_ Thưa các Trưởng lão, tại sao các ông thấy người lớn tuổi mà không hỏi thăm và cung kính mời ngồi?

Lúc đó, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cũng đang ngồi ở trong chúng. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên liền bảo Phạm chí:

_ Theo pháp của chúng tôi, khi có người lớn tuổi đến đều cung kính hỏi thăm, lễ bái, mời ngồi.

Phạm chí nói:

_ Tôi thấy trong chúng này không có vị nào già cả hơn tôi, nhưng chẳng có ai cung kính chào hỏi, mời ngồi. Thế sao ông lại nói rằng theo pháp của ông, hễ thấy người lớn tuổi đến đều cung kính lễ bái, mời ngồi?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

_ Này Phạm chí! Nếu có người già cả, tuổi đã tám mươi, chín mươi, tóc bạc, răng rụng nhưng hành xử[3] như pháp của thiếu niên thì người này chẳng phải là bậc tôn túc. Tuy người còn trẻ, tuổi khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng lại hành xử như pháp của bậc cao niên thì được tính vào hàng tôn túc.

Phạm chí hỏi:

_ Thế nào gọi là người tuổi đã tám mươi, chín mươi, tóc bạc, răng rụng nhưng lại hành xử như pháp của thiếu niên; còn người niên thiếu, tuổi khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ lại được tính vào hàng tôn túc?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo Phạm chí:

_ Có năm loại dục, đó là mắt nhận biết sắc rồi ham muốn, ưa thích, nghĩ nhớ; tai nhận biết âm thanh, mũi nhận biết mùi, lưỡi nhận biết vị, thân nhận biết xúc trần rồi ham muốn, ưa thích, nghĩ nhớ. Người tuy đã tám mươi, chín mươi tuổi tóc bạc, răng rụng nhưng đối với năm loại dục này không lìa tham, không lìa dục, không lìa ham muốn, không lìa nghĩ nhớ, không lìa khao khát thì này Phạm chí, hạng người như thế được gọi là hành xử như pháp của thiếu niên. Còn người tuy chỉ mới hai mươi lăm tuổi, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng đối với năm loại dục đã lìa tham, lìa dục, lìa ham muốn, lìa nghĩ nhớ, lìa khao khát. Người còn trẻ như thế, dù tuổi khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ mà lại hành xử như pháp của bậc lão nhân thì được kể vào hàng tôn túc.

Bấy giờ, Phạm chí nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Như ý nghĩa Tôn giả đã nói, tôi tự xét lại mình tuy đã già mà lại nhỏ, còn các vị tuy trẻ tuổi mà hành xử như pháp của bậc cao niên. Thưa Tôn giả, thế gian nhiều việc, tôi xin cáo từ.

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

_ Này Phạm chí! Ông nên tự biết thời.

Phạm chí nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, đã hoan hỷ và tùy hỷ rồi trở về chỗ cũ.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.547. 0141c16). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.19.9. 0595b21); A. 2.38 - I. 62.

[2] Nguyên tác: Bà-la-na (婆羅那). Kinh số 546 ở trên ghi: Bạt-lan-na (跋蘭那).

[3] Nguyên tác: Thành tựu (成就), tức sự thực hành, theo Đạo hạnh Bát-nhã kinh từ điển (道行般若經詞典).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.