Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 20

546.  XA LÌA THAM DỤC VÀ KIẾN DỤC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên[2] đang ở bên bờ hồ Ô-nê,[3] thôn Bạt-lan-na.[4]

Lúc ấy, có vị Phạm chí cầm gậy tắm[5] đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ân cần thăm viếng, ngồi sang một bên rồi hỏi:

_ Do nhân gì, duyên gì mà vua tranh đoạt với vua, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, cư sĩ tranh đoạt với cư sĩ?

Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời Phạm chí:

_ Do nhân duyên bị dính mắc, bị trói chặt bởi tham dục nên vua tranh đoạt với vua, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, cư sĩ tranh đoạt với cư sĩ.

Phạm chí lại hỏi:

_ Do nhân gì, duyên gì mà người xuất gia lại tranh giành với người xuất gia?

Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

_ Do bị dính mắc, bị trói chặt bởi kiến dục nên người xuất gia tranh giành với người xuất gia.

Phạm chí lại hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

_ Thưa, có người nào có thể lìa khỏi sự dính mắc, lìa khỏi sự trói chặt của tham dục và kiến dục này chăng?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

_ Này Phạm chí! Có bậc Thầy của tôi là đấng Như Lai, Ứng Cúng,[6] Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài có khả năng lìa khỏi sự dính mắc, lìa khỏi sự trói chặt của tham dục và kiến dục.

Phạm chí lại hỏi:

_ Thưa, vậy Phật, Thế Tôn hiện đang ở đâu?

_ Đức Thế Tôn hiện ở trong dân chúng Ba-la-kỳ, vườn Cấp Cô Độc, rừng Kỳ-đà, thành Xá-vệ, thuộc nước Câu-tát-la.

Khi ấy, Phạm chí từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai áo bên phải, gối phải sát đất, hướng về trú xứ của đức Phật rồi chắp tay khen ngợi:

_ Kính lạy Phật, đức Thế Tôn, đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Bậc có khả năng lìa khỏi những dính mắc và trói chặt của tham dục, bậc hoàn toàn xa lìa sự trói buộc của tham dục và các kiến dục, sạch tận gốc rễ.

Bấy giờ, Phạm chí cầm gậy tắm nghe Tôn giả Ca-chiên-diên nói xong, đã hoan hỷ và tùy hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

***

Chú thich:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.546. 0141b22). Tham chiếu: A. 2.37 - I. 62.

[2] Ma-ha Ca-chiên-diên (摩訶迦旃延, Mahā Kaccāna).

[3] Ô-nê trì (烏泥池, Kaddamadaha).

[4] Bạt-lan-na tụ lạc (跋蘭那聚落, Varaṇā nagara).

[5] Nguyên tác: Tháo quán trượng Phạm chí (澡灌杖梵志). A. 2.37 - I. 62: Ārāmadaṇḍa brāhmaṇa. Trước hết, ārāma trong nghĩa đầu tiên là sự thích thú, vui vẻ. Kế tiếp, daṇḍa là gậy; ārāmadaṇḍa là gậy thư giãn, có thể hiểu đó là gậy tắm. Bản Hán dịch “tháo quán trượng” (澡灌杖) tức là gậy tắm rửa. Bối cảnh pháp thoại diễn ra bên bờ hồ đã bổ nghĩa cho quan điểm này. Không những vậy, Bi Hoa kinh 悲華經 (T.03. 0157.5. 0200b05) đã ghi nhận về trường hợp một thanh niên Bà-la-môn tên là Tỳxá-cúc-đa (毘舍掬多) đã dâng lên đức Phật gậy tắm thất bảo thần diệu bằng vàng ròng (純金澡灌七寶妙杖). Tương tự, tác phẩm Tam bộ luật sao 三部律抄 (T.85. 2793.1. 0679a23) ghi nhận về trường hợp: Kẻ tập sự xuất gia dùng gậy tắm súc bình đồng và lư hương (淨人畜銅瓶香爐澡灌杖扇).

[6] Để bản thiếu chữ “cúng” (供). Tham chiếu đoạn kết nên đã bổ sung.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.