Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 19
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ... (cho đến) Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả A-na-luật:
_ Thế nào gọi là tu tập và tu tập thuần thục[2] bốn niệm xứ?
Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
_ Tỳ-kheo đối với nội thân khởi tưởng nhàm chán, xa lìa; đối với nội thân khởi tưởng không nhàm chán, xa lìa; đối với tưởng nhàm chán, xa lìa và tưởng không nhàm chán, xa lìa thảy đều buông xả, chánh niệm tỉnh giác.
Như nội thân, cũng như thế đối với ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm;[3] nội pháp, ngoại pháp, cả nội ngoại pháp đều khởi tưởng nhàm chán, xa lìa, khởi tưởng không nhàm chán, xa lìa; đối với tưởng nhàm chán, xa lìa và tưởng không nhàm chán, xa lìa thảy đều buông xả, chánh niệm tỉnh giác.
Như thế, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên! Đó gọi là tu tập và tu tập thuần thục bốn niệm xứ.
Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nhập tam-muội, do sức thần thông tam-muội, chỉ trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay, từ tinh xá Tùng Lâm ở nước Xá-vệ đã trở về thôn Bạt-kỳ, chỗ cầm thú trong rừng rậm Sợ Hãi, núi Cá Sấu.[4]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.536. 0139b25). Tham chiếu: S. 52.1 - V. 294.
[2] Nguyên tác: Đa tu tập (多修習, bahulīkatattā). HT. Thích Minh Châu dịch là làm cho sung mãn.Bahulī: Thường xuyên; Bahulikāta: Thường xuyên thực hành, thường xuyên tu tập.
[3] Nguyên tác: Nội ngoại thân (內外身, ajjhattabahiddhā kāye kāyānupassī).
[4] Bản Hán, hết quyển 19.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.