Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 19

 

535.  CON ĐƯỜNG TRỰC TIẾP (1)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đang ở tại tinh xá Tùng Lâm.[2]

Khi đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở trong thôn Bạt-kỳ[3], chỗ cầm thú trong rừng rậm Sợ Hãi[4], núi Cá Sấu.[5]

Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật sống một mình ở nơi yên vắng, thiền định tư duy, khởi lên suy nghĩ: “Có con đường trực tiếp[6] khiến chúng sanh được thanh tịnh, xa lìa lo, buồn, khổ, não, được pháp chân như, đó gọi là bốn niệm xứ[7]. Những gì là bốn? Đó là quán thân trên thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp trên pháp.

Nếu người nào xa lìa bốn niệm xứ thì xa lìa pháp Hiền thánh, người nào xa lìa pháp Hiền thánh thì xa lìa đạo Hiền thánh, người xa lìa đạo Hiền thánh thì xa lìa pháp giải thoát,[8] người xa lìa pháp giải thoát thì không thể thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não.

Nếu người nào tịnh tín[9] đối với bốn niệm xứ thì cũng tịnh tín đối với giáo pháp Hiền thánh, người nào tịnh tín đối với giáo pháp của Hiền thánh thì cũng tịnh tín đối với Thánh đạo, người nào tịnh tín đối với Thánh đạo thì cũng tịnh tín đối với pháp giải thoát, người nào tịnh tín đối với pháp giải thoát thì thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não.”

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên biết được ý nghĩ của Tôn giả A-na-luật, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, vận thần lực rồi biến mất khỏi thôn Bạt-kỳ, chỗ cầm thú trong rừng rậm Sợ Hãi, núi Cá Sấu rồi hiện ra trước mặt Tôn giả A-na-luật ở tinh xá Tùng Lâm, tại thành Xá-vệ rồi bảo với Tôn giả A-na-luật rằng:

_ Phải chăng khi thầy sống một mình ở nơi vắng vẻ, thiền định tư duy, đã khởi lên suy nghĩ: “Có con đường trực tiếp khiến chúng sanh được thanh tịnh, xa lìa lo, buồn, khổ, não, được pháp chân như, đó gọi là bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là quán thân trên thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp trên pháp.

Nếu người nào xa lìa bốn niệm xứ thì xa lìa pháp Hiền thánh, người nào xa lìa pháp Hiền thánh thì xa lìa đạo Hiền thánh, người xa lìa đạo Hiền thánh thì xa lìa pháp giải thoát, người xa lìa pháp giải thoát thì không thể thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não.

Nếu người nào tịnh tín đối với bốn niệm xứ thì cũng tịnh tín đối với giáo pháp Hiền thánh, người nào tịnh tín đối với giáo pháp của Hiền thánh thì cũng tịnh tín đối với Thánh đạo, người nào tịnh tín đối với Thánh đạo thì cũng tịnh tín đối với pháp giải thoát, người nào tịnh tín đối với pháp giải thoát thì thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não?” Tôn giả A-na-luật thưa Tôn giả Mục-kiền-liên:

_ Đúng thế, đúng thế! Thưa Tôn giả!

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi tiếp Tôn giả A-na-luật:

_ Thế nào gọi là tịnh tín đối với bốn niệm xứ?

_ Thưa Tôn giả Mục-kiền-liên, như Tỳ-kheo quán thân trên thân, tâm duyên theo thân, an trú chánh niệm, điều phục, dừng nghỉ, tịch tĩnh, tăng trưởng nhất tâm.[10] Cũng như vậy đối với thọ, tâm và pháp, an trú chánh niệm, điều phục, dừng nghỉ, tịch tĩnh, tăng trưởng nhất tâm. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên! Đó gọi là Tỳ-kheo tịnh tín đối với bốn niệm xứ.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nhập thiền định hóa hiện thần túc,[11] từ tinh xá Tùng Lâm của nước Xá-vệ trở về thôn Bạt-kỳ, chỗ cầm thú trong rừng rậm Sợ Hãi, núi Cá Sấu.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.535. 0139a16). Tham chiếu: S. 52.2 - V. 296.

[2] Nguyên tác: Tùng Lâm tinh xá (松林精舍, Vihara Salalāgāra), là tòa nhà trong tinh xá Jetavana do Vua Pasenadi xây dựng, có giá trị cả trăm ngàn đồng. Tham chiếu: S. 52.8 - V. 300.

[3] Nguyên tác: Bạt-kỳ tụ lạc (跋祇聚落, Bhagga). Đây là một đất nước, như chú thích số 64, không phải thôn.

[4] Nguyên tác: Khủng Bố trù lâm cầm thú (恐怖稠林禽獸, Bhesakalāvana), là khu rừng thuộc đất nước Bhagga, đất nước này nằm giữa Vesāli và Sāvatthi. Theo SA. II. 181: Khu rừng này vốn là tên gọi của một nữ dạ-xoa (yakkhinī) tên là Bhesākalā, (theo DPPN).

[5] Nguyên tác: Thất-thâu-ma-la sơn (失收摩羅山, Suṃsumāragiri), là tên thành phố của nước Bhagga, có thể dịch là thành phố Thất-thâu-ma-la sơn hay thành phố núi Cá Sấu. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì có nhiều cá sấu (suṃsumāragi) làm ồn ở hồ lân cận.

[6] Nguyên tác: Hữu nhất thừa đạo (有一乘道, ekāyanamagga). Cú ngữ này ở Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.102. 0410b12); Đại Bảo tích kinh 大寶積經 (T.11. 0310.79. 0454b14) viết: Duy hữu nhất đạo (唯有一道); Niệm xứ kinh 念處經 (T.01. 0026.98. 0582b09); Thánh đạo kinh 聖道經 (T.01. 0026.189. 0735c01); Tiễn mao kinh 箭毛經 (T.01. 0026.208. 0785c02): Hữu nhất đạo (有一道); A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa luận阿毘達磨大毘婆沙論 (T.27. 1545.188. 0943a18) do ngài Huyền Trang dịch, gọi là “nhất thú đạo” (一趣道) và đã giải thích 12 nghĩa phát sanh về con đường này. Ngài Buddhaghosa trong Chú giải Kinh niệm xứ (Satipaṭṭhānasuttavaṇṇanā) đã giải thích 5 nghĩa của ekāyana magga. Trong tất cả những nghĩa được giải thích ở các truyền thống thì nghĩa “con đường trực tiếp”, hoặc “con đường dẫn đến” là nghĩa được phần lớn học giả chấp nhận.

[7] Nguyên tác: Tứ niệm xứ (四念處, cattāro satipaṭṭhānā).

[8] Nguyên tác: Cam lộ (甘露, amata), chỉ cho bất tử, là sự giải thoát.

[9] Nguyên tác: Tín lạc (信樂). Tín ngưỡng pháp Phật rồi sanh lòng ưa thích. P. Pasāda, tín tâm, trong sạch, hoan hỷ.

[10] Nguyên tác: Nhất tâm tăng tấn (一心增進). Nhất tâm (一心), P. cittassa ekaggatā; tăng tấn (增進) nghĩa là tăng trưởng lớn mạnh, P. vuddhiṃ virūḷhiṃ vepullaṃ.

[11] Nguyên tác: Như kỳ tượng tam-muội chánh thọ (如其像三昧正受). Trong những trường hợp nghĩa của cú ngữ này, có trường hợp mang nghĩa hóa hiện thần thông.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.