Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 19
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật an cư tại cõi trời Ba Mươi Ba, ngự trên tảng đá bằng phẳng màu trắng xám[2], cách cây Trú Độ[3] và cây Câu-tỳ-đà-la[4] không xa để thuyết pháp cho thân mẫu và chư thiên cõi ấy.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang an cư ở vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Khi ấy, toàn thể bốn chúng cùng đến chỗ Tôn giả Mục-kiền-liên, cung kính đảnh lễ, ngồi sang một bên rồi thưa rằng:
_ Tôn giả có biết Thế Tôn an cư ở đâu không?
Tôn giả Mục-kiền-liên đáp:
_ Tôi nghe rằng Thế Tôn đang an cư tại cõi trời Ba Mươi Ba, ngự trên tảng đá bằng phẳng màu trắng xám cách cây Trú Độ và cây Câu-tỳ-đà-la không xa, để thuyết pháp cho thân mẫu và chư thiên cõi ấy.
Sau khi nghe Tôn giả Mục-kiền-liên nói thế, tất cả bốn chúng đều hoan hỷ và tùy hỷ, đứng dậy đảnh lễ rồi cáo từ.
Bấy giờ, toàn thể bốn chúng trải qua ba tháng an cư, lại cùng nhau đến chỗ Tôn giả Mục-kiền-liên, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Tôn giả Mục-kiền-liên vì bốn chúng mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[5] Sau khi vì bốn chúng mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ xong, Tôn giả an trú tĩnh lặng.
Lúc ấy, đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ và thưa rằng:
_ Tôn giả Mục-kiền-liên! Xin ngài biết cho, chúng tôi không được nhìn thấy Thế Tôn đã lâu, chúng tôi khao khát được gặp Thế Tôn. Tôn giả Mụckiền-liên! Nếu không ngại gì, cúi xin ngài hãy vì chúng tôi mà lên cõi trời Ba Mươi Ba, vì chúng tôi mà thỉnh an rằng: “Thế Tôn ít bệnh ít não, đi đứng nhẹ nhàng, luôn được an vui chăng?” Và Tôn giả bạch với Ngài như vầy: “Bốn chúng ở Diêm-phù-đề cúi mong được thấy Thế Tôn, nhưng không có thần lực bay lên cõi trời Ba Mươi Ba để kính lễ Ngài, còn chư thiên cõi ấy thì có thần lực hiện xuống nhân gian. Vậy cúi mong Thế Tôn rủ lòng thương xót trở lại cõi Diêm-phù-đề!”
Nghe vậy rồi, Tôn giả Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Bấy giờ, tất cả đại chúng biết Tôn giả Mục-kiền-liên đã im lặng nhận lời nên hoan hỷ đứng dậy đảnh lễ rồi ra về.
Tôn giả Mục-kiền-liên biết bốn chúng đã ra về, liền nhập định rồi vận sức thần thông,[6] chỉ trong khoảnh khắc như lực sĩ duỗi cánh tay, biến mất khỏi nước Xá-vệ, hiện ra chỗ tảng đá bằng phẳng màu trắng xám ở cõi trời Ba Mươi Ba, cách cây Trú Độ và cây Câu-tỳ-đà-la không xa. Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba cùng vô lượng quyến thuộc vây quanh.
Từ xa, vừa nhìn thấy Thế Tôn, Mục-kiền-liên vô cùng hoan hỷ, khởi suy nghĩ rằng: “Nay chư thiên vây quanh Thế Tôn nghe thuyết pháp, chẳng khác gì hội chúng ở cõi Diêm-phù-đề.” Lúc ấy, Thế Tôn liền biết ý nghĩ của Mục-kiềnliên, liền bảo:
_ Này Mục-kiền-liên! Ở đây không phải dùng sức, khi Ta muốn thuyết pháp cho chư thiên nghe, họ liền vân tập; khi Ta muốn họ quay về, họ liền giải tán. Chư thiên kia theo tâm của Ta mà đến, theo tâm của Ta mà đi.
Lúc này, Tôn giả Mục-kiền-liên lạy sát chân Phật, ngồi sang một bên rồi thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Trong vô số chư thiên đại chúng đang vân tập tại đây, có vị nào đã từng theo Phật nghe pháp, thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển[7] nên sau khi qua đời được sanh về cõi này không?
Đức Phật bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
_ Đúng vậy, đúng vậy! Trong vô số chư thiên đại chúng đang vân tập tại đây, có vị đời trước đã từng nghe Chánh pháp, đối với Phật có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển; đối với Pháp và Tăng cũng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển và thành tựu Thánh giới nên sau khi qua đời được sanh lên cõi này.
Khi ấy, Đế-thích thấy Thế Tôn và Mục-kiền-liên khen ngợi chư thiên với những lời như thế rồi, liền nói với Mục-kiền-liên:
_ Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Tôn giả Mục-kiền-liên! Vô số chư thiên trong chúng hội đây đời trước đã từng nghe Chánh pháp, đối với Phật có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển; đối với Pháp và Tăng cũng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển và thành tựu Thánh giới nên sau khi qua đời được sanh lên cõi này.
Lúc đó, có một vị Tỳ-kheo thấy Thế Tôn và Tôn giả Mục-kiền-liên cùng Đế-thích đàm đạo với nhau, kể chuyện với nhau như thế rồi, Tỳ-kheo ấy nói với Tôn giả Mục-kiền-liên:
_ Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Tôn giả Mục-kiền-liên! Vô số chư thiên trong hội chúng đây đời trước đã từng nghe Chánh pháp, đối với Phật có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển; đối với Pháp và Tăng cũng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển và thành tựu Thánh giới nên sau khi qua đời được sanh lên cõi này.
Lúc đó, có một thiên thần từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, bày vai phải, chắp tay bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Con đã thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật nên được sanh lên đây.
Lại có thiên thần khác thưa:
_ Con đã thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Pháp.
Có vị thưa:
_ Con đã thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Tăng.
Có vị thưa:
_ Con thành tựu Thánh giới nên được sanh lên cõi này.
Cứ như thế, vô lượng vô số chư thiên đối trước Thế Tôn, mỗi vị tự nói đã đắc Tu-đà-hoàn rồi nhanh chóng biến mất.
Bấy giờ, Mục-kiền-liên biết chúng chư thiên đã rời đi, nên Tôn giả liền từ tòa đứng dậy, sửa y phục, bày vai phải rồi thưa rằng:
_ Bạch Thế Tôn! Bốn chúng ở cõi Diêm-phù-đề xin cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn, kính thăm Thế Tôn như vầy: “Thế Tôn ít bệnh ít não, đi đứng nhẹ nhàng, luôn được an vui chăng?” Bốn chúng mong nhớ, xin được gặp Thế Tôn, họ nói như vầy: “Chúng con ở Diêm-phù-đề không có thần lực bay lên cõi trời Ba Mươi Ba để kính lễ Thế Tôn, còn chư thiên cõi ấy thì có thần lực hiện xuống nhân gian. Vậy cúi mong Thế Tôn rủ lòng thương xót, trở lại cõi
Diêm-phù-đề!”
Đức Phật bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:
_ Thầy hãy trở về, nói với người dân Diêm-phù-đề rằng: “Bảy ngày nữa Thế Tôn sẽ từ cõi trời Ba Mươi Ba trở lại cõi Diêm-phù-đề, dưới cây Ưu-đàmbát, bên ngoài cổng thành Tăng-ca-xá.”[8]
Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời liền nhập định, chỉ trong khoảnh khắc như lực sĩ duỗi cánh tay, biến mất khỏi cõi trời Ba Mươi Ba rồi hiện ngay xuống cõi Diêm-phù-đề, nói với bốn chúng rằng:
_ Đại chúng nên biết, bảy ngày nữa Thế Tôn sẽ từ cõi trời Ba Mươi Ba trở lại cõi Diêm-phù-đề, dưới cây Ưu-đàm-bát, bên ngoài cổng thành Tăng-ca-xá.[9]
Đúng hẹn bảy ngày, Thế Tôn từ cõi trời Ba Mươi Ba trở về cõi Diêm-phùđề, dưới cây Ưu-đàm-bát, bên ngoài cổng thành Tăng-ca-xá. Chư thiên, long thần, quỷ thần cho đến Phạm thiên thảy đều theo Thế Tôn giáng hạ nơi này. Nhân đó, cuộc hội ngộ này được gọi là nơi gặp gỡ giữa nhân gian và thiên giới.[10]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.506. 0134a07). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.988. 0257a28) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.989. 0257b15); Tăng. 增 (T.02. 0125.36.5. 0703b13);S. 40.10 - IV. 269.
[2] Nguyên tác: Thông sắc hư nhuyễn thạch (驄色虛軟石), một tảng đá to lớn nhất trên đỉnh núi Tu-di.
[3] Nguyên tác: Ba-lợi-da-đa-la (波梨耶多羅), một loại cây kỳ vĩ, đặc biệt nhất nơi cõi trời Ba Mươi Ba.
[4] Một loại cây tỏa mùi thơm nhất ở cõi trời Ba Mươi Ba.
[5] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Cú ngữ này trong Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0012b04) ghi là “thị, giáo, lợi, hỷ” (示, 教, 利, 喜); Thất xa kinh 七車經 (T.01. 0026.9. 0429c28) ghi là “khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu, hoan hỷ” (勸發, 渴仰, 成就, 歡喜). Nghĩa là: mở bày (示, sandasseti), dạy bảo (教, samādapeti), khích lệ (鼓勵, samuttejeti) và khiến được hoan hỷ (使歡喜, sampahaṃseti). Ngài Huyền Trang dịch cú ngữ này là “thị hiện, giáo đạo, tán lệ, khánh hỷ” (示現, 教導, 讚勵, 慶喜). Ngài Nghĩa Tịnh dịch là “khai thị, khuyến đạo, tán lệ, khánh hỷ” (開示, 勸導, 讚勵, 慶喜).
[6] Nguyên tác: Như kỳ chánh thọ (如其正受).
[7] Bất hoại tịnh (不壞淨, aveccappasāda), niềm tin trọn vẹn, niềm tin bất động (nơi Tam bảo). Xem chú thích 10, kinh số 344, quyển 14, tr. 397; Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094b02).
[8] Tăng-ca-xá thành (僧迦舍城). Tăng. 增 (T.02. 0125.36.5. 0707a12): Tăng-ca-thi quốc (僧迦施國).P. Saṅkassa, một vương quốc bên bờ sông Hằng, Trung Ấn.
[9] Tăng-ca-xá (僧迦舍), địa danh này ở trong Tạp. 雜 (T.02. 0099.604. 0169c22) gọi là “Tăng-ca- xà” (僧迦奢); ở Tăng. 增 (T.02. 0125.36.5. 0703b13) gọi là “Tăng-già-thi” (僧迦尸). Trong tác phẩm Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.4. 0893a17) ngài Huyền Trang xác định ở nước “Kiếp-tỳ-tha” (劫比他國). Theo Chú giải Kinh Pháp cú (DhA. III. 2), địa danh này được gọi là Saṅkassa, cách Sāvatthi khoảng 35 do-tuần. Hiện nay, Thánh tích này cách thị trấn Farrukhabad khoảng 47km, thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
[10] Thiên hạ xứ (天下處).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.