Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 18
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn xoài[2] của Na-la-kiện-đà, một chủ tiệm buôn bán vải.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ đức Phật, cúi lạy chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Đối với Thế Tôn, con tin tưởng tuyệt đối rằng: Trí tuệ của các Sa-môn hay Bà-la-môn ở quá khứ, ở tương lai hay ở hiện tại không thể nào sánh bằng trí tuệ của Thế Tôn, huống lại là hơn.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất! Lành thay những lời nói bậc nhất như thế, thầy có thể ở giữa đại chúng rống lên tiếng sư tử, tự nói tin tưởng tuyệt đối Thế Tôn rằng: Trí tuệ của các Sa-môn hay Bà-la-môn ở quá khứ, ở tương lai hay ở hiện tại không thể nào sánh bằng trí tuệ của Thế Tôn, huống lại là hơn.
Rồi đức Phật hỏi tiếp Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Thầy có biết về giới tăng thượng của chư Phật quá khứ không?
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Đức Phật lại hỏi:
_ Này Xá-lợi-phất! Thầy có biết pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trú như vậy không?
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Đức Phật lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Thầy có biết giới tăng thượng của chư Phật ở tương lai, pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trú như vậy không?
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Thầy có biết giới tăng thượng của chư Phật hiện tại, pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trú như vậy không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Nếu thầy không biết các pháp trong tâm chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai thì tại sao ở giữa đại chúng lại rống lên tiếng sư tử tán thán như vầy: “Con tin tưởng tuyệt đối Thế Tôn rằng: Trí tuệ của các Sa-môn hay Bà-la-môn ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại không thể nào sánh bằng trí tuệ của Thế Tôn, huống lại là hơn.”
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Con không thể biết giới hạn trong tâm[3] của chư Phật quá khứ, tương lai, hiện tại, nhưng con có thể thẩm sát về giáo pháp[4] của chư Phật quá khứ, tương lai, hiện tại. Con nghe Thế Tôn thuyết pháp, càng nghe càng thấy thấm sâu, càng nghe càng thấy thù thắng, càng nghe càng thấy tăng thượng, càng nghe càng thấy vi diệu. Con nghe Thế Tôn thuyết pháp, biết một pháp liền đoạn một pháp, biết một pháp liền chứng một pháp, biết một pháp liền tu tập một pháp, thấu rõ trọn vẹn pháp đó. Đối với Đại sư, con có niềm tin thanh tịnh, tâm được thanh tịnh.
Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Bạch Thế Tôn! Ví như quốc vương có thành trì ở biên giới, bốn mặt thành được bao bọc vuông vức, kiên cố, chắc chắn và chỉ có một cổng ra vào, không có cổng thứ hai. Vua sai lính gác cổng, người dân ra vào thành đều phải qua cổng này; lính canh kia tuy không biết có bao nhiêu người đã ra vào, nhưng biết chắc người dân chỉ có thể đi qua cổng này, không còn cổng nào khác. Giống như thế, con biết rõ chư Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác đời quá khứ đã đoạn sạch năm thứ trói buộc che lấp[5] là thứ não loạn tâm, khiến tuệ lực suy yếu, khiến rơi chỗ chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã trụ bốn niệm xứ; đã tu bảy giác phần; đã đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chư Phật, Thế Tôn đời tương lai cũng đã đoạn sạch năm thứ trói buộc che lấp là thứ não loạn tâm, khiến tuệ lực suy yếu, khiến rơi chỗ chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã trụ bốn niệm xứ; đã tu bảy giác phần; đã đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.[6] Chư Phật, Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác đời hiện tại cũng đã đoạn sạch năm thứ trói buộc che lấp là thứ não loạn tâm, khiến tuệ lực suy yếu, khiến rơi chỗ chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã trụ bốn niệm xứ; đã tu bảy giác phần; đã đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Đúng thế, đúng thế! Xá-lợi-phất! Chư Phật đời quá khứ, tương lai và hiện tại thảy đều đoạn sạch năm thứ trói buộc che lấp là thứ não loạn tâm, khiến tuệ lực suy yếu, khiến rơi chỗ chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã trụ bốn niệm xứ; đã tu bảy giác phần; đã đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.498. 0130c07). Tham chiếu: Tự hoan hỷ kinh自歡喜經 (T.01. 0001.18. 0076b24); Tín Phật công đức kinh 信佛功德經 (T.01. 0018. 0255a11);D. 28, Sampasādanīya Sutta (Kinh tự hoan hỷ); S. 47.12 - V. 159.
[2] Nguyên tác: Am-la viên (菴羅🖃, ambavana).
[3] Nguyên tác: Tâm chi phân tề (心之分齊). Phân tề (分齊): Giới hạn, sai biệt.
[4] Nguyên tác: Pháp chi phân tề (法之分齊). Phân tề (分齊): Bày biện, phân chia phẩm vật hiến cúng liệt vị tổ tông (將齋祭之物分獻於各祖宗, 謂之分齋). Trong M. 12, Mahāsīhanāda Sutta (Ðại kinh sư tử hống), từ dhammanvaya được Bhikkhu Bodhi dịch sang tiếng Anh là “suy luận từ giáo pháp” (by inference from dhamma). Vì anvaya ñāṇaṁ nghĩa là “loại trí” hoặc dịch là “tỷ trí” (類智, 比智). Pháp trang nghiêm kinh 法莊嚴經 (T.01. 0026.213. 0795c25) dịch là “pháp tĩnh” (法靖). Tĩnh (靖) ở đây mang nghĩa thẩm sát, suy xét, bằng nghĩa chữ “thẩm” (審). Tương đồng với nghĩa này, Chú giải Kinh tự hoan hỷ (Sampasādanīyasuttavaṇṇanā) giải thích từ dhammanvaya là “trí hiện lượng” về giáo pháp (dhammassa paccakkhato ñāṇassa). Như vậy, “pháp chi phân tề” (法之分齊) nghĩa là dùng trí tuệ để thẩm sát, là trí hiện lượng (paccakkhato ñāṇa).
[5] Nguyên tác: Ngũ cái (五蓋, pañcanīvaraṇa).
[6] Nguyên tác: A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề (阿耨多羅三藐三菩提, anuttara sammāsambodhi).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.