Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 18

 

497. NĂM PHÁP CỬ TỘI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Vị Tỳ-kheo muốn cử tội người khác thì phải đem tâm an trú vào bao nhiêu pháp rồi mới được cử tội người khác?[2]

Phật bảo Xá-lợi-phất:

_ Vị Tỳ-kheo đó phải đem tâm an trú vào năm pháp thì mới được cử tội người khác. Là năm pháp nào? Thứ nhất, sự thật chứ không bịa đặt. Thứ hai, đúng thời chứ không phi thời. Thứ ba, đem lại lợi ích chứ không vô ích. Thứ tư, nhu hòa chứ không thô bạo. Thứ năm, với từ tâm chứ không sân hận. Này Xá-lợi-phất! Tỳ-kheo cử tội phải hội đủ năm pháp này thì mới được cử tội người khác.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo bị cử tội cũng phải dùng bao nhiêu pháp để tự an tâm mình?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

_ Tỳ-kheo bị cử tội nên dùng năm pháp để tự an tâm mình, cần phải nghĩ rằng: “Vị kia đã hành xử thế nào? Là đúng sự thật chớ không bịa đặt; đúng thời chớ chẳng phi thời; đem lại lợi ích chớ chẳng vô ích; nhu hòa chớ chẳng thô bạo; từ tâm chớ chẳng sân hận.” Này Xá-lợi-phất! Người bị cử tội phải nghĩ đủ năm pháp này thì tự an tâm mình.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Con thấy có người cử tội người khác không đúng sự thật chớ chẳng phải thật; phi thời chớ chẳng đúng thời; vô ích chớ chẳng lợi ích; thô bạo chớ chẳng nhu hòa; sân hận chớ chẳng từ tâm. Bạch Thế Tôn! Đối với Tỳ-kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật như thế thì phải dùng pháp lợi ích gì để họ hối cải?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

_ Đối với Tỳ-kheo cử tội mà không đúng sự thật nên dùng năm pháp lợi ích khiến họ hối cải, phải nói với họ rằng: “Thưa Trưởng lão! Nay Trưởng lão cử tội mà không đúng sự thật chứ chẳng phải thật, hãy hối cải; phi thời chứ chẳng đúng thời; vô ích chứ chẳng lợi ích; thô bạo chứ chẳng nhu hòa; sân hận chứ chẳng từ tâm, hãy hối cải.” Này Xá-lợi-phất! Đối với Tỳ-kheo cử tội người khác không đúng sự thật thì phải dùng năm pháp lợi ích này khiến họ hối cải, cũng khiến các Tỳ-kheo khác sau này không còn cử tội người khác không đúng sự thật nữa.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo bị cử tội không đúng sự thật nên dùng pháp gì để không phải sám hối?[3]

Đức Phật dạy:

_ Tỳ-kheo bị cử tội không đúng sự thật nên dùng năm pháp để không phải sám hối. Vị ấy nên nghĩ thế này: “Tỳ-kheo kia cử tội không đúng sự thật chứ chẳng phải đúng sự thật; phi thời chứ chẳng đúng thời; vô ích chứ chẳng lợi ích; thô bạo chứ chẳng nhu hòa; sân hận chứ chẳng từ tâm, như thế thì mình không phải sám hối.” Tỳ-kheo bị cử tội không đúng sự thật nên dùng năm pháp này để tự an tâm mình, không phải sám hối.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Có Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật chứ chẳng phải không đúng sự thật; đúng thời chứ chẳng phải phi thời; đem lại lợi ích chứ chẳng phải vô ích; nhu hòa chứ chẳng phải thô bạo; từ tâm chứ chẳng phải sân hận. Đối với Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật ấy nên dùng pháp lợi ích nào để không phải hối cải?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

_ Đối với Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật, nên dùng năm pháp lợi ích để không phải hối cải, phải nói với Tỳ-kheo đó thế này: “Trưởng lão! Trưởng lão đã cử tội đúng sự thật chứ chẳng phải không đúng; đúng thời chứ chẳng phải phi thời; đem lại lợi ích chứ chẳng phải bất lợi, vô ích; nhu hòa chứ chẳng phải thô bạo; từ tâm chứ chẳng phải sân hận.” Này Xá-lợi-phất! Đối với Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật nên dùng năm pháp lợi ích này để vị ấy không phải hối cải, cũng để sau này những Tỳ-kheo cử tội người khác đúng sự thật cũng không phải hối cải.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

_ Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo bị cử tội đúng sự thật, phải dùng bao nhiêu pháp lợi ích, nếu vị ấy vẫn không chịu sám hối?Đức Phật dạy:

_ Tỳ-kheo bị cử tội đúng sự thật, phải dùng năm pháp lợi ích, nếu vị ấy vẫn không chịu sám hối, nên nói với vị ấy thế này: “Tỳ-kheo kia cử tội thầy đúng chứ chẳng phải không đúng, vậy mà thầy chẳng chịu sám hối! Tỳ-kheo kia cử tội thầy đúng thời chứ chẳng phải phi thời; có lợi ích chứ chẳng phải không có lợi ích; nhu nhuyến chứ chẳng phải thô bạo; có từ tâm chứ chẳng phải sân hận, vậy mà thầy chẳng chịu sám hối!”

_ Tôn giả thưa: Bạch Thế Tôn! Con thấy có Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà lại sân hận. Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà sân hận thì phải dùng bao nhiêu pháp để khiến họ tự hóa giải đối với tâm sân hận?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

_ Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi sân hận thì phải dùng năm pháp để tự hóa giải nên nói với vị ấy rằng: “Thưa Trưởng lão! Tỳ-kheo kia cử tội đúng sự thật chứ chẳng phải không đúng, chớ có sân hận... (cho đến) từ tâm chứ chẳng phải sân hận, chớ có sân hận.” Này Xá-lợi-phất! Đối với Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi sân hận nên dùng năm pháp này để khiến họ tự hóa giải sân hận.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Nếu con bị người khác cử tội, dù đúng sự thật hay không đúng thì đối với hai trường hợp này, con đều tự an tâm mình. Nếu họ cử tội đúng thì con tự nhận lỗi. Nếu họ cử tội không đúng thì con cũng tự hóa giải rằng: “Điều này không đúng, nay tôi tự biết mình không phạm tội ấy.” Bạch Thế Tôn! Con phải như thế, như lời Thế Tôn dạy cho các Sa-môn trong bài Kinh ví dụ cái cưa[4] rằng: “Như có kẻ giặc đến bắt trói các thầy, dùng cưa cưa xẻ thân thể các thầy. Khi ấy, đối với kẻ giặc mà các thầy phát khởi ý ác, lời ác thì tự sanh chướng ngại. Cho nên, Tỳ-kheo! Nếu bị cưa xẻ thân thể, các thầy chớ khởi ý ác và lời ác, như thế chỉ tự tạo chướng ngại mà thôi. Đối với người kia nên khởi tâm từ, không oán, không hận, chứng nhập, an trú trọn vẹn tâm từ với cảnh giới bốn phương. Nên học như thế.” Do đó, bạch Thế Tôn! Con phải như thế, như lời Thế Tôn đã dạy, cởi bỏ cái khổ của thân còn phải tự an nhẫn; huống gì cái khổ chút xíu hay những lời phỉ báng nhỏ nhặt mà không an nhẫn được ư? Vì lợi ích của Sa-môn, vì ước muốn của Sa-môn là muốn đoạn pháp bất thiện, muốn tu pháp thiện thì đối với pháp bất thiện này nên đoạn, đối với pháp thiện nên nỗ lực tinh tấn, khéo tự phòng hộ, nhiếp niệm tư duy, không được buông lung, nên học như vậy.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa tiếp:

_ Khi con cử tội Tỳ-kheo khác đúng sự thật chứ chẳng phải không thật; đúng thời chứ chẳng phải phi thời; đem lại lợi ích chứ chẳng phải vô ích; nhu hòa chứ chẳng phải thô bạo; từ tâm chứ chẳng phải sân hận, thế nhưng những Tỳ-kheo bị cử tội kia vẫn có người ôm lòng sân hận.

Đức Phật hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Những hạng Tỳ-kheo nào nghe thầy cử tội mà nổi sân hận?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo siểm nịnh, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ không thẹn, lười biếng, thất niệm, bất định, tuệ yếu kém, ngã mạn, sống trái với hạnh viễn ly, không kính giới luật, không trọng Sa-môn, không siêng tu học, không tự quán xét, vì kế sinh nhai mà xuất gia chứ không phải vì cầu Niết-bàn; những Tỳ-kheo như thế nghe con cử tội liền nổi sân hận.

Đức Phật hỏi:

_ Những hạng Tỳ-kheo nào nghe thầy cử tội mà không sân hận?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo không dua nịnh, không giả dối, không lừa gạt, có chánh tín, biết hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, sống với hạnh viễn ly, tôn kính giới luật, quý hạnh Sa-môn, tôn sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia chứ không vì nuôi mạng; những Tỳ-kheo như thế nghe con cử tội thì hoan hỷ lãnh thọ, như uống cam lộ.

Ví như cô gái dòng Sát-lợi hay Bà-la-môn tắm gội sạch sẽ rồi, liền chọn lấy hoa đẹp, nối kết thành tràng rồi đội lên đầu. Cũng thế, Tỳ-kheo không siểm nịnh, không giả dối, không lừa gạt, có chánh tín, biết hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm thích viễn ly, tôn kính giới luật, quý hạnh Sa-môn, tinh cần tỉnh giác, vì pháp xuất gia, chí cầu Niết-bàn; những Tỳ-kheo như thế nghe con cử tội thì hoan hỷ lãnh thọ, như uống cam lộ.

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Tỳ-kheo siểm nịnh, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ không thẹn, lười biếng, thất niệm, bất định, tuệ yếu kém, ngã mạn, sống trái với hạnh viễn ly, không kính giới luật, không trọng Sa-môn, không siêng tu học, không tự quán xét, vì kế sinh nhai mà xuất gia chứ không phải vì cầu Niết-bàn; những Tỳ-kheo như thế không nên truyền dạy và trò chuyện. Vì sao như vậy? Vì những Tỳkheo này phá Phạm hạnh.

Tỳ-kheo không dua nịnh, không giả dối, không lừa gạt, có chánh tín, biết hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, sống với hạnh viễn ly, tôn kính giới luật, quý hạnh Sa-môn, tôn sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia chứ không vì nuôi mạng; những Tỳ-kheo như thế cần nên truyền dạy. Vì sao như vậy? Vì những Tỳ-kheo như thế có thể tu Phạm hạnh, có thể tự đứng vững.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.497. 0129b25). Tham chiếu: A. 5.167 - III. 196; Cullavagga, chương thứ chín, Đình chỉ Giới bổn.

[2] Tham chiếu: A. 5.167 - III. 196: Codakena, āvuso, bhikkhunā paraṃ codetukāmena pañca dhamme ajjhattaṃ upaṭṭhāpetvā paro codetabbo (Này các Hiền giả, khi Tỷ-kheo buộc tội muốn buộc tội người khác, hãy an trú nội tâm năm pháp rồi hãy buộc tội), HT. Thích Minh Châu dịch.

[3] Trong đoạn hỏi và đáp này, Luật tạng Pāli liệt kê ra 5 trường hợp tuy cử tội đúng pháp, nhưng vị Tỳ- kheo kia vẫn không sám hối. Ở đây, Kinh Tạp A-hàm bổ sung yếu tố khuyên giải. Tham chiếu: Culla vagga, chương thứ chín, Đình chỉ Giới bổn: [508] - Bạch Ngài, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị Tỳ-khưu khiển trách đúng pháp với bao nhiêu hình thức? Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị Tỳ-khưu khiển trách đúng pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): “Đại đức khiển trách hợp thời, không sái thời, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài; Đại đức khiển trách với sự thật, không phải với sự sai trái, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài; Đại đức khiển trách với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài; Đại đức khiển trách có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài; Đại đức khiển trách với tâm từ, không phải với nội tâm có sân hận, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài” (Tỳ-khưu Indacanda dịch).

[4] Nguyên tác: Giải tài thí kinh (解材譬經), dịch nghĩa là Kinh ví dụ xẻ gỗ. Sau khi tham chiếu M. 21, Kakacūpama Sutta (Kinh ví dụ cái cưa); Mâu-lê-phá-quần-na kinh 牟犁破群那經 (T.01. 0026.193. 0744a04), bản dịch thống nhất sử dụng tựa kinh là Kinh ví dụ cái cưa.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.