Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 18
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
_ Khi các Tỳ-kheo tranh cãi với nhau thì trong đây có Tỳ-kheo phạm tội, có Tỳ-kheo cử tội.[2] Những Tỳ-kheo này nếu không nương vào chánh tư duy để tự quán xét, nên biết Tỳ-kheo ấy cứ mãi ngang ngạnh, tranh cãi tăng lên, chống báng lẫn nhau, kết sâu oán hận. Như thế thì đối với những lỗi lầm đã xảy ra, không thể dùng giáo pháp chân chánh để ngăn chặn, dứt trừ.
Khi các Tỳ-kheo khởi lên tranh cãi, nếu Tỳ-kheo phạm tội và Tỳ-kheo cử tội đều nương vào chánh tư duy để tự quán xét, tự trách mình, nên biết Tỳ-kheo ấy không còn ngang ngạnh, chống báng lẫn nhau hay khoét sâu thù hận. Như thế thì đối với lỗi lầm đã xảy ra có thể dùng giáo pháp chân chánh để ngăn chặn, dứt trừ.
Thế nào là Tỳ-kheo phạm tội nương vào chánh tư duy để tự quán xét? Tỳ-kheo nên tư duy như vầy: “Mình thật không phải, không tốt, đáng lẽ không nên tạo tội để người khác nhìn thấy như thế. Nếu mình không tạo tội này thì người kia đâu có bắt gặp! Người kia nhìn thấy tội của mình, vì không bằng lòng nên mới chê trách rồi cử tội thôi! Những Tỳ-kheo khác nghe được, cũng lại chê trách, bởi thế xảy ra tranh cãi triền miên, căng thẳng càng tăng, tranh cãi càng hăng. Như vậy thì đối với lỗi lầm đã xảy ra, không thể dùng giáo pháp chân chánh để ngăn chặn, dứt trừ. Kể từ hôm nay, mình phải từ bỏ, như phải nộp thuế cho hàng hóa của mình.”[3] Đó gọi là Tỳ-kheo đối với lỗi lầm đã xảy ra, tự mình quán xét như thế.
Thế nào là Tỳ-kheo cử tội tự mình quán xét? Tỳ-kheo cử tội nên suy nghĩ như vầy: “Tỳ-kheo kia đã phạm tội, khiến ta nhìn thấy; nếu vị kia không phạm tội ấy thì ta đâu có thấy! Ta bắt gặp như vậy rồi, do không bằng lòng nên mới cử tội. Những Tỳ-kheo khác bắt gặp, cũng không bằng lòng nên mới cử tội, bởi thế sự tranh cãi kéo dài, tăng lên không dừng, như thế thì đối với lỗi lầm đã xảy ra không thể dùng giáo pháp chân chánh để ngăn chặn, dứt trừ. Kể từ hôm nay, ta hãy từ bỏ, như phải nộp thuế cho hàng hóa của mình.” Tỳ-kheo cử tội có thể nương vào chánh tư duy để tự mình quán xét như thế.
Do đó, này các Tỳ-kheo! Người có tội và người cử tội đều phải nương vào chánh tư duy để tự mình quán xét, đừng để căng thẳng tăng thêm. Này các Tỳ-kheo! Không nên tranh cãi, nếu tranh cãi xảy ra, hãy dùng giáo pháp chân chánh để ngăn chặn, dứt trừ.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe rồi đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.496. 0129a27). Tham chiếu: A. 2.15 - I. 52.
[2] Cử tội (舉罪): Chỉ ra lỗi lầm, buộc tội người khác.
[3] Nguyên tác: Như kỷ thâu thuế (如己輸稅). Thâu thuế (輸稅) là thể rút gọn của chước nạp tô thuế (繳納租稅). Tham chiếu: A. 2.15 - I. 52: Suṅkadāyakaṃva bhaṇḍasminti (như trường hợp người phải trả thuế hàng hóa của mình), HT. Thích Minh Châu dịch. Ví dụ này hàm chỉ cho bổn phận cần phải thực hiện trước một hành động, việc làm nào đó của chính mình.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.