Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 18

 

493. THUYỀN NGƯỢC DÒNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

_ Nếu Tỳ-kheo tu hạnh A-lan-nhã,[2] sống giữa đồng trống hoặc trong rừng sâu, bên gốc cây, nên học quay vào bên trong mà quán chiếu tư duy để tự biết trong tâm mình còn có dục tưởng hay không. Nếu không tự biết được thì ở nơi cảnh giới, hoặc ở nơi tịnh tướng[3] sẽ khởi lên ái dục, trái với hạnh viễn ly. Như một người dùng sức chèo thuyền ngược dòng, khi thân hơi mệt đã vội biếng nhác thì thuyền sẽ trôi lui, xuôi dòng trôi xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo tư duy về tịnh tướng, lại sanh khởi ái dục, trái với hạnh viễn ly, là bởi trong lúc tu học, Tỳ-kheo thiếu sự tinh tấn, hạnh không thuần tịnh nên lại bị ái dục cuốn trôi, không được pháp lực, tâm không tịch tĩnh, tâm không chuyên nhất; đối với tịnh tướng sanh khởi ái dục, xuôi theo hướng ấy thì trái với hạnh viễn ly. Nên biết, Tỳ-kheo này đối với năm dục không dám tự nhận rằng đã được viễn ly, giải thoát.

Nếu Tỳ-kheo tu hạnh A-lan-nhã, sống giữa đồng trống hoặc trong rừng sâu, bên gốc cây, nên tư duy như vầy: “Trong tâm ta đã ly dục chưa?” Tỳ-kheo ấy đối với cảnh giới hoặc đối với tịnh tướng mà biết tâm mình đã viễn ly ái dục thì nên thuận theo hướng ấy. Giống như lông chim gặp lửa thì sẽ quắn lại, không nở ra được. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với tịnh tướng mà thuận với viễn ly thì nên xuôi theo hướng ấy. Nên biết, Tỳ-kheo ấy đã tinh tấn tu hành, tâm không buông lung, đắc pháp tịch tĩnh, tịnh chỉ, dừng lắng, an lạc, nhất tâm thuần tịnh, có thể tự cho rằng: “Ta đã tư duy, đối với tịnh tướng mà thuận với viễn ly, tùy thuận tu đạo thì dám tự nhận mình đã ly dục, giải thoát khỏi năm loại dục.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.493. 0128b26).

[2] Nguyên tác: A-luyện-nhã (阿練若, arañña).

[3] Tịnh tướng (淨相) chỉ cho những thứ có hình tướng sạch đẹp, khả ái.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.