Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 18
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả A-nan đang cùng ở chung một phòng tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Khi ấy, vào cuối đêm, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
_ Lạ thay! Tôn giả Mục-kiền-liên! Có phải đêm qua thầy an trú vào định [2]
Tịch diệt chăng, vì tôi không nghe tiếng thở của thầy?[3]Tôn giả Mục-kiền-liên đáp:
_ Đó không phải là định Tịch diệt mà chỉ là an trú định thô sơ mà thôi. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Đêm qua tôi hầu chuyện với đức Thế Tôn.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
_ Mục-kiền-liên! Thế Tôn đang ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ, cách đây rất xa thì làm sao cùng nói chuyện? Còn thầy đang ở Trúc Lâm đây thì làm sao cùng nói chuyện? Thầy vận thần thông đến chỗ Thế Tôn hay là Thế Tôn vận thần thông đến chỗ thầy?
Tôn giả Mục-kiền-liên nói:
_ Tôi không vận thần thông đến chỗ Thế Tôn và Thế Tôn cũng không vận thần thông đến chỗ tôi. Dù tôi đang ở trong thành Vương Xá mà vẫn nghe được từ nước Xá-vệ, là vì Thế Tôn và tôi đều có Thiên nhãn, Thiên nhĩ. Tôi có thể hỏi Thế Tôn như vầy: “Nói về nỗ lực tinh tấn, thế nào gọi là nỗ lực tinh tấn?”
Thế Tôn trả lời: “Này Mục-kiền-liên! Ban ngày, Tỳ-kheo kinh hành, ngồi thiền, dùng pháp không chướng ngại để tự thanh tịnh tâm; đầu đêm cũng ngồi thiền, kinh hành, dùng pháp không chướng ngại để tự thanh tịnh tâm; giữa đêm ra ngoài rửa chân, rồi trở vào phòng, nằm nghiêng hông phải, hai chân xếp chồng lên nhau, khởi tưởng về tướng ánh sáng,[4] chánh niệm tỉnh giác, khởi ý thức dậy; đến cuối đêm từ từ thức dậy, rồi ngồi thiền, kinh hành, dùng pháp không chướng ngại để tự thanh tịnh tâm. Này Mục-kiền-liên! Đây gọi là Tỳ-kheo nỗ lực tinh tấn.”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Mục-kiền-liên:
_ Đại Mục-kiền-liên! Thầy thực sự có thần thông thần diệu,[5] có công đức to lớn, an tọa an ổn. Tôi cũng có đại lực nhờ được ngồi chung với thầy. Mục-kiền-liên! Ví như ngọn núi lớn kia, có người cầm một viên đá nhỏ ném vào núi lớn thì nó hòa mình vào núi lớn kia. Tôi cũng như thế, có được đại lực, đại đức nhờ cùng ngồi chung với Tôn giả.
Ví như những vật trang sức đẹp đẽ của thế gian, mọi người đều muốn cài lên trên đầu. Cũng vậy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên là bậc đại lực, đại đức nên những vị Phạm hạnh đều cúi đầu đảnh lễ. Ai gặp được Tôn giả Mục-kiềnliên, kết thân qua lại, cung kính cúng dường thì người ấy được lợi ích lớn. Nay tôi được cùng Tôn giả Mục-kiền-liên kết thân qua lại nên cũng được lợi ích tốt đẹp.
Khi ấy, Tôn giả Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Nay tôi được ngồi cùng tòa với Tôn giả Xá-lợi-phất, là bậc đại trí, đại đức; như viên đá nhỏ được ném vào núi đá lớn, được hòa mình vào núi lớn thì tôi cũng như thế, được ngồi cùng tòa với Tôn giả Xá-lợi-phất, được làm bạn với Tôn giả.
Hai vị Tôn giả đàm đạo xong đều từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi.[6]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.503. 0132c08). Tham chiếu: S. 21.3 - II. 275.
[2] Nguyên tác: Chánh thọ (正受).
[3] Bản Hán chép dư 18 chữ: 尊者目揵連聞尊者舍利弗語尊者目揵連言.
[4] Nguyên tác: Hệ niệm minh tướng (係念明想, ālokanimitta).
[5] Nguyên tác: Thần thông đại lực (神通大力, mahiddhikā).
[6] Bản Hán, hết quyển 18.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.