Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 18

 

501. IM LẶNG CỦA BẬC THÁNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà quật, cũng thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với các Tỳ-kheo:

_ Có lần Thế Tôn ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá. Bấy giờ, tôi đang ở trong núi Kỳ-xà quật, sống một mình ở nơi thanh vắng, khởi lên suy nghĩ: “Thế nào là sự im lặng của bậc Thánh?” Rồi lại nghĩ: “Nếu Tỳ-kheo diệt trừ giác, quán, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, an trú hỷ lạc do định sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ hai. Đó gọi là sự im lặng của bậc Thánh.”

Rồi lại nghĩ: “Nay ta cũng nên im lặng như bậc Thánh.” Thế rồi, tôi diệt trừ giác, quán, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, an trú hỷ lạc do định sanh, an trú trọn vẹn và an trú thường xuyên vào đó. Dù đã an trú thường xuyên, nhưng tâm cũng lại sanh khởi giác, quán.

Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của tôi như thế nên Ngài liền biến mất khỏi tinh xá Trúc Lâm rồi hiện ra trước mặt tôi tại núi Kỳ-xà quật rồi bảo rằng: “Này Mục-kiền-liên! Thầy nên im lặng như bậc Thánh, chớ có buông lung.” Tôi nghe Thế Tôn nói rồi, liền diệt trừ giác, quán, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, an trú hỷ lạc do định sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ hai. Sự kiện như vậy diễn ra ba lần, Phật cũng ba lần dạy tôi: “Thầy nên im lặng như bậc Thánh, chớ có buông lung.” Thế rồi, tôi lại diệt trừ giác, quán, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, an trú hỷ lạc do định sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ hai. [2]

Nếu cho rằng con Phật là từ miệng Phật sanh ra, từ Pháp hóa sanh, được gia tài Phật pháp thì người đó chính là tôi. Vì sao như vậy? Vì tôi là con Phật, từ miệng Phật sanh ra, từ Pháp hóa sanh, được gia tài Phật pháp, chỉ cần nỗ lực chút ít mà đắc thiền, được giải thoát, nhập chánh định.[3]

Ví như thái tử, con của Chuyển Luân Thánh Vương, tuy chưa làm lễ quán đảnh mà đã được vương pháp, không cần nỗ lực[4] vẫn được hưởng thụ năm thứ dục lạc. Tôi cũng như thế, là con của Phật, không cần quá nỗ lực thì cũng có thể đắc thiền, được giải thoát, nhập chánh định. Trong một ngày, Thế Tôn dùng thần thông ba lần đến chỗ tôi, ba lần giáo huấn tôi, đem sở đắc của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi.

Tôn giả Mục-kiền-liên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những lời Tôn giả dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.501. 0132a13). Tham chiếu: S. 21.1 - II. 273.

[2] Nguyên tác ghi: Đệ tam thiền (第三禪). Căn cứ vào nội dung kinh văn thì bản Hán chép nhầm.

[3] Nguyên tác: Tam-muội chánh thọ (三昧正受). Tam-muội (三昧, samādhi): Định. Chánh thọ (正受,samāpatti): Thiền chứng, sự chứng nhập thiền.

[4] Nguyên tác: Phương tiện (方便), dùng như “nỗ lực” (努力, vāyāmo).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.