Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 18
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở tại trú xứ này.
Sáng sớm, Tôn giả đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá khất thực. Khất thực xong, Tôn giả ngồi bên cội cây thọ trai.
Lúc ấy, có nữ tu sĩ ngoại đạo Tịnh Khẩu[2] ra khỏi thành Vương Xá có chút công việc, thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi thọ trai bên cội cây, liền tiến tới hỏi:
_ Thưa, Sa-môn đang ăn ư?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Vâng, đang ăn!
Lại hỏi:
_ Thế nào, Sa-môn cúi mặt[3] mà ăn phải không?
Tôn giả đáp:
_ Này cô, không phải vậy!
Lại hỏi:
_ Hay là ngửa mặt[4] mà ăn?
Đáp:
_ Không phải!
Lại hỏi:
_ Chắc là nhìn bốn phương mà ăn?[5]
Đáp:
_ Không phải!
Lại hỏi:
_ Hay là nhìn bốn hướng mà ăn?[6]
Tôn giả đáp:
_ Cũng không phải!
Cô ấy lại nói:
_ Tôi hỏi Sa-môn đang ăn phải không? Ngài trả lời là đang ăn. Tôi hỏi Sa-môn cúi mặt mà ăn phải không? Ngài nói là không phải. Tôi hỏi có phải ngửa mặt mà ăn không? Ngài lại bảo không phải. Tôi hỏi có phải nhìn bốn phương mà ăn không? Ngài cũng trả lời là không. Tôi hỏi có phải nhìn bốn hướng mà ăn không? Ngài vẫn nói là không phải. Tôn giả trả lời như thế thì có ý nghĩa gì?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Này cô, có những Sa-môn, Bà-la-môn rành về địa lý[7], giỏi về nghi quỹ[8], họ hành nghề không đúng pháp như thế để kiếm sống thì đó là những Sa-môn, Bà-la-môn cúi mặt mà ăn.
Những Sa-môn, Bà-la-môn ngước nhìn trăng sao, chiêm tinh đoán tượng, họ hành nghề không đúng pháp như thế để kiếm sống thì đó là những Sa-môn, Bà-la-môn ngửa mặt mà ăn.
Những Sa-môn, Bà-la-môn làm tay sai cho người khác, họ hành nghề không đúng pháp như thế để kiếm sống thì đó là những Sa-môn, Bà-la-môn nhìn bốn phương mà ăn.
Những Sa-môn, Bà-la-môn bốc thuốc trị bệnh, họ hành nghề không đúng pháp như thế để kiếm sống thì đó là những Sa-môn, Bà-la-môn nhìn bốn hướng mà ăn.
Này cô, tôi không rơi vào bốn cách kiếm ăn không đúng pháp như trên. Này cô, tôi nuôi mạng một cách đúng pháp. Do đó, tôi trả lời cô là tôi không ăn theo bốn cách như thế.
Bấy giờ, nữ tu sĩ ngoại đạo Tịnh Khẩu nghe Tôn giả Xá-lợi-phất giải đáp xong rồi hoan hỷ và tùy hỷ rồi cáo lui.
Rồi cô ấy đến giữa ngã tư đường trong thành Vương Xá khen ngợi rằng: “Sa-môn Thích tử nuôi mạng đúng pháp, sinh sống rất thanh tịnh. Người nào muốn cúng dường, hãy cúng dường cho Sa-môn Thích tử; nếu muốn tạo phước, hãy đến chỗ Sa-môn Thích tử tạo phước.”
Khi ấy, các tu sĩ ngoại đạo nghe nữ tu sĩ ngoại đạo Tịnh Khẩu khen ngợi Samôn Thích tử như thế, sanh khởi lòng đố kỵ, nên hãm hại cô ấy. Nữ tu sĩ ngoại đạo Tịnh Khẩu sau khi lâm chung được sanh lên cõi trời Đâu-suất là do đã sanh khởi tín tâm đối với Tôn giả Xá-lợi-phất vậy.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.500. 0131c09). Tham chiếu: S. 28.10 - III. 238.
[2] Nguyên tác: Tịnh Khẩu ( 淨口, Sucimukhī).
[3] Nguyên tác: Hạ khẩu (下口, adhomukha).
[4] Nguyên tác: Ngưỡng khẩu (仰口, ubbhamukha).
[5] Nguyên tác: Phương khẩu (方口, disāmukha).
[6] Nguyên tác: Tứ duy khẩu (四維口, vidisāmukha).
[7] Nguyên tác: Minh ư sự (明於事, vatthuvijjā).
[8] Nguyên tác: Minh ư hoành pháp (明於橫法). A-ma-trú kinh 阿摩晝經 (T.01. 0001.20. 0084b16) gọi là “già đạo pháp” (遮道法). D. 1, Brahmajāla Sutta (Kinh Phạm võng) gọi là tiracchānavijjāya, chỉ cho các loại nghi quỹ như tế tự, cầu thần, thuốc thang trị bệnh...
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.