Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 18

 

499. KHÉO TU TÂM[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong núi Kỳ-xà quật.

Khi ấy, có Tỳ-kheo Nguyệt Tử[2] là đệ tử của Đề-bà-đạt-đa,[3] đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, vấn an sức khỏe xong liền đứng sang một bên.

Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

_ Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa có thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo nghe không?

Tỳ-kheo Nguyệt Tử trả lời:

_ Thưa, có thuyết pháp!

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

_ Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp thế nào?

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa:

_ Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp như vầy: “Nếu Tỳ-kheo với tâm pháp mà tu tâm[4] thì vị này có thể tự xác quyết[5] rằng: ‘Ta đã ly dục, giải thoát khỏi năm loại dục.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Nguyệt Tử:

_ Đề-bà-đạt-đa đối trước các thầy vì sao không thuyết pháp rõ ràng như vầy: “Nếu Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, lìa tâm tham dục, lìa tâm sân hận, lìa tâm ngu si, đắc pháp vô tham, đắc pháp vô sân và đắc pháp vô si, không còn tái sanh trở lại cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc, Tỳ-kheo ấy có thể tự xác quyết: ‘Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh’”?

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa:

_ Vị ấy không thuyết như vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất!

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

_ Nếu có Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, sân hận và ngu si, đắc pháp vô tham, vô sân và vô si, Tỳ-kheo ấy có thể tự xác quyết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Ví như gần thôn xóm có dãy núi đá to lớn không bị cắt xẻ, không bị phá hoại, không bị xuyên thủng, hoàn toàn kín mít, giả sử có gió từ phương Đông thổi tới cũng không thể khiến nó lay động, không thể xuyên qua nó để tới phương Tây. Cũng vậy, đối với gió từ phương Nam, phương Tây, phương Bắc và bốn hướng cũng không thể khiến cho lay động và thổi xuyên qua được. Cũng thế, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, xa lìa tâm tham dục, sân hận và ngu si, đắc pháp vô tham, vô sân và vô si, Tỳ-kheo ấy có thể tự xác quyết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Ví như trụ đồng Nhân-đà[6] rắn chắc hoặc trụ đồng được cắm sâu vào lòng đất, đắp đất thật chắc thì gió từ bốn phương thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng thế, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm rồi, xa lìa tâm tham dục, sân hận và ngu si, đắc pháp vô tham, vô sân và vô si, Tỳ-kheo ấy có thể tự xác quyết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Ví như trụ đá cao mười sáu khuỷu tay được cắm xuống lòng đất tám khuỷu tay thì gió từ bốn phương thổi tới cũng không thể khiến cho lay động. Giống như thế, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm rồi, xa lìa tâm tham dục, sân hận và ngu si, đắc pháp vô tham, vô sân và vô si thì có thể tự xác quyết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Ví như phải mồi lửa lúc lửa chưa cháy, khi lửa đã cháy thì không cần mồi nữa. Giống như thế, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm rồi, xa lìa tâm tham dục, sân hận và ngu si, đắc pháp vô tham, vô sân và vô si, có thể tự xác quyết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những lời Tôn giả dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.499. 0131a25). Tham chiếu: A. 9.25 - IV. 402.

[2] Nguyệt Tử (月子, Candikāputta).

[3] Đề-bà-đạt-đa (提婆達多, Devadatta).

[4] Nguyên tác: Tâm pháp tu tâm (心法修心). Tham chiếu: A. 9.26 - IV. 402; bản Tích Lan: Cetasā cittaṃ paricitaṃ hoti (Tâm được củng cố bởi tâm).

[5] Nguyên tác: Ký thuyết (記說, byākato).

[6] Nguyên tác: Nhân-đà (因陀), gọi đủ là Nhân-đà-la trụ (因陀羅柱, Indakhīla), vương trụ hoặc là trụ của Thích-đề-hoàn-nhân.

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.