Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 18

 

490. DIÊM-PHÙ-XA HỎI ĐẠO[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại làng Na-la[2], thuộc nước Ma-kiệt-đề.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở tại đây.

1. Khi ấy, có tu sĩ ngoại đạo tên Diêm-phù-xa,[3] là bạn cũ của Tôn giả Xá-lợiphất, đi đến chỗ Tôn giả, thăm hỏi nhau xong, ngồi sang một bên rồi hỏi rằng: [4]

_ Thưa Tôn giả, trong giáo pháp của Hiền thánh thì có việc gì khó?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Chỉ có việc xuất gia là khó!

_ Tại sao xuất gia lại khó?

_ Bởi vì ưa thích đời sống xuất gia rất khó!

_ Vì sao rất khó ưa thích đời sống xuất gia?

_ Bởi vì rất khó ưa thích siêng tu thiện pháp!

Diêm-phù-xa lại hỏi:

_ Thưa ngài Xá-lợi-phất! Có con đường, có phương pháp nào [5] để khi tu tập, tu tập nhiều, tu tập thường xuyên sẽ khiến cho thiện pháp được tăng trưởng chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Diêm-phù-xa nói:

_ Thưa ngài Xá-lợi-phất! Đây đúng là con đường lành, đây đúng là phương pháp tốt lành, nếu tu tập, tu tập nhiều, tu tập thường xuyên sẽ khiến cho thiện pháp được tăng trưởng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Người xuất gia nếu thường xuyên tu tập theo con đường này, chẳng bao lâu sau sẽ nhanh chóng dứt sạch hữu lậu.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo từ.

Cũng như kinh trên, với những câu hỏi của Diêm-phù-xa, có thêm 40 kinh nữa.[6]

2. Diêm-phù-xa lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[7]

_ Thưa ngài, thế nào gọi là khéo thuyết pháp? Thế nào gọi là chánh hướng ở thế gian? Thế nào gọi là khéo vượt qua thế gian?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Nếu thuyết pháp mà có thể điều phục tham dục, điều phục sân hận, điều phục ngu si thì gọi là khéo thuyết pháp ở thế gian.

Nếu hướng đến điều phục tham dục, hướng đến điều phục sân hận, hướng đến điều phục ngu si thì gọi là chánh hướng.

Nếu như tham dục đã được hiểu biết hoàn toàn[8] và đoạn sạch không dư tàn; nếu như sân hận, ngu si đã được hiểu biết hoàn toàn và đoạn sạch không dư tàn thì gọi là khéo vượt qua thế gian.[9]

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì có thể khéo vượt qua [thế gian] không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo từ.

3. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[10]

_Thưa ngài, nói về Niết-bàn, thế nào là Niết-bàn?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Niết-bàn là tham dục đã đoạn sạch vĩnh viễn, sân hận đã đoạn sạch vĩnh viễn, ngu si đã đoạn sạch vĩnh viễn, hết thảy mọi phiền não đã đoạn sạch vĩnh viễn, đó gọi là Niết-bàn.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì chứng đắc Niết-bàn không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo từ.

4. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[11]

_ Vì sao Tôn giả theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu hành Phạm hạnh?

Xá-lợi-phất đáp:

_ Vì muốn đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si nên tôi theo Sa-môn Cùđàm xuất gia tu hành Phạm hạnh.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo từ.

5. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[12]

_ Thưa ngài, nói về diệt sạch hữu lậu? Vậy thế nào gọi là diệt sạch hữu lậu?

Xá-lợi-phất đáp:

_ Hữu lậu có ba. Đó là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.[13] Ba hữu lậu này hoàn toàn diệt sạch thì gọi là diệt sạch hữu lậu.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì diệt sạch hữu lậu không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo từ.

6. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[14]

_ Thưa ngài, nói về A-la-hán, thế nào gọi là A-la-hán?

Xá-lợi-phất trả lời:

_ Tham dục đã dứt sạch hoàn toàn, sân hận và ngu si đã dứt sạch hoàn toàn thì gọi là A-la-hán.

Lại hỏi:

_ Thưa ngài, có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đắc A-la-hán không?

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

7. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về A-la-hán, thế nào gọi là A-la-hán?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Tham dục vĩnh viễn dứt sạch hoàn toàn, sân hận, ngu si vĩnh viễn dứt sạch hoàn toàn, gọi là A-la-hán.

_ Thưa ngài, có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đắc A-la-hán không?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

8. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[15]

_ Thưa ngài, nói về vô minh, thế nào là vô minh?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Nói về vô minh nghĩa là không biết về đời trước, không biết đời sau, không biết ba đời trước, sau và hiện tại; không biết Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng; không biết khổ, tập, diệt, đạo; không biết thiện, bất thiện và vô ký; không biết trong và không biết ngoài. Nếu đối với những thứ trên mà bị che mờ, không rõ biết thì gọi là vô minh.

Diêm-phù-xa nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Đây đúng là mê muội chất chồng! Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì vô minh được đoạn trừ không?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

9. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[16]

_ Thưa ngài, nói về hữu lậu, thế nào là hữu lậu?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp như kinh trước.

10. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[17]
_ Thưa ngài, nói về hữu, thế nào là hữu?

Xá-lợi-phất trả lời:

_ Hữu có ba. Đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì chấm dứt những hữu này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

11.  Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[18]

_ Thưa ngài, nói về hữu thân, thế nào là hữu thân?[19]

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Hữu thân là thân gồm năm thủ uẩn. Năm thủ uẩn là những gì? Đó là sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để đoạn trừ hữu thân này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

12. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[20]

_ Thưa ngài, nói về khổ, thế nào là khổ?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Khổ bao gồm sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương yêu mà phải xa lìa là khổ, oán ghét mà phải gặp nhau là khổ, mong cầu không được toại nguyện là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là khổ.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để đoạn trừ khổ này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

13. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất: [21]

_ Thưa ngài, nói về lưu, thế nào gọi là lưu?[22]

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Lưu gồm dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu. [23]Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ được những lưu này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

14. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về ách, thế nào gọi là ách?[24] Trả lời như kinh nói về lưu.

15. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[25]

_ Thưa ngài, nói về thủ, thế nào là thủ?

Tôn giả trả lời:

_ Thủ có bốn loại: Dục thủ, ngã thủ, kiến thủ và giới thủ.[26] Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ được những thủ này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

16. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về trói buộc, thế nào là trói buộc?[27]

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Nói về trói buộc, có bốn thứ trói buộc. Đó là bị trói buộc bởi tham dục, bị trói buộc bởi sân hận, bị trói buộc bởi giới thủ và bị trói buộc bởi ngã kiến.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ được những thứ trói buộc này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

17. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về kiết, thế nào là kiết? [28]

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Nói về kiết thì có chín loại kiết. Đó là ái, sân, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật và xan.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ được những kiết này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

18. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về sử, thế nào là sử? [29]

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Nói về sử thì có bảy loại sử. Đó là tham dục, sân hận, hữu ái, kiêu mạn, vô minh, kiến thủ và nghi.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ được những sử này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

19. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về dục, thế nào là dục?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Khi mắt nhận biết sắc thì cảm thấy sắc khả ái rồi ưa thích, nghĩ nhớ, đắm trước vào nó. Khi tai nhận biết thanh, mũi nhận biết hương, lưỡi nhận biết vị, thân xúc chạm thì cảm thấy chúng khả ái rồi ưa thích, nghĩ nhớ, đắm trước vào đó. Này Diêm-phù-xa! Năm thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc ấy chẳng phải dục mà dục chính là những cảm giác, nghĩ tưởng, tư duy.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói kệ:

_ Hết thảy sắc thế gian, Chẳng phải là ái dục,   Chỉ ai giác, tưởng chúng, Chính là người ái dục.

_ Bao nhiêu cảnh sắc kia, Thường ở nơi thế gian,   Điều phục tâm ái dục, Chính là người thông tuệ.

Diêm-phù-xa lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ được ái dục không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

20. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về sự che lấp, vậy thế nào là sự che lấp?[30]

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Nói về sự che lấp thì có năm thứ che lấp. Đó là tham dục, sân hận, ngủ nghỉ, dao động và nghi ngờ.

Diêm-phù-xa lại hỏi Tôn giả:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đoạn trừ được cái không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

21. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về dừng lắng, thế nào là dừng lắng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Dừng lắng nghĩa là đoạn trừ ba kiết.[31] Diêm-phù-xa lại hỏi Tôn giả:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đoạn trừ ba kiết không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

22. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về đã được dừng lắng, thế nào gọi là đã được dừng lắng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Đã được dừng lắng nghĩa là ba kiết đã sạch, đã biết như thật.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để đoạn trừ ba kiết ấy không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

23. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về dừng lắng tối thượng, thế nào là dừng lắng tối thượng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Dừng lắng tối thượng nghĩa là tham dục hoàn toàn dứt sạch; sân hận và ngu si hoàn toàn dứt sạch, đó gọi là dừng lắng tối thượng.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đưa đến dừng lắng tối thượng không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

24. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về chỗ dừng lắng tối thượng, thế nào là chỗ dừng lắng tối thượng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Chỗ dừng lắng tối thượng, nghĩa là tham dục hoàn toàn đoạn sạch, đã biết như thật; sân hận và ngu si đã hoàn toàn đoạn sạch, đã biết như thật, đó gọi là chỗ dừng lắng tối thượng.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì đạt đến chỗ dừng lắng tối thượng không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

25. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về thanh lương, thế nào gọi là thanh lương?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Thanh lương nghĩa là năm hạ phần kiết sử đã được đoạn sạch. Năm hạ phần kiết sử là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân hận.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì có thể đoạn trừ năm hạ phần kiết sử ấy, đạt được thanh lương không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

26. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về đạt được thanh lương, thế nào là đạt được thanh lương?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Năm hạ phần kiết sử đã đoạn sạch, đã biết như thật, đó gọi là đạt được thanh lương.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để khi tu tập, tu tập nhiều thì có thể đắc thanh lương không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

27. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về thanh lương tối thượng, thế nào là thanh lương tối thượng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Thanh lương tối thượng nghĩa là tham dục hoàn toàn dứt sạch, sân hận và ngu si hoàn toàn dứt sạch, tất cả phiền não hoàn toàn dứt sạch; đó gọi là thanh lương tối thượng.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Có con đường nào, có phương pháp nào để đạt được thanh lương tối thượng không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

28. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về đạt được thanh lương tối thượng, thế nào gọi là đạt được thanh lương tối thượng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Đạt được thanh lương tối thượng nghĩa là tham dục hoàn toàn đoạn sạch, đã biết như thật; sân hận và ngu si hoàn toàn đoạn sạch, đã biết như thật. Đó gọi là đạt được thanh lương tối thượng.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để đạt được thanh lương tối thượng không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

29. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất: [32]
_ Thưa ngài, nói về ái, thế nào là ái?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Ái có ba. Đó là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.

Lại hỏi:

_ Có con đường, có phương pháp nào đoạn dứt ba ái này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

30. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về nghiệp đạo, thế nào là nghiệp đạo? [33]

 Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Nói về nghiệp đạo, tức là mười nghiệp bất thiện, gồm sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai chiều, nói thô ác, nói thêu dệt, tham dục, sân hận và tà kiến.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào đoạn trừ mười nghiệp này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

31. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Thưa ngài, nói về cấu uế, thế nào là cấu uế?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

_ Cấu uế có ba loại. Đó là tham dục, sân hận và ngu si.

Lại hỏi:

_ Có con đường nào, có phương pháp nào để đoạn dứt ba cấu uế này không?

Đáp:

_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sau khi Diêm-phù-xa và Tôn giả Xá-lợi-phất đàm đạo xong, đều đứng dậy cáo lui.

Giống như kinh nói về cấu uế, các kinh nói về cấu bẩn [32], nói về bụi bẩn [33], nói về gai nhọn [34], nói về luyến mến [35], nói về ràng buộc [36[34] cũng như thế.

***

 

Chú thích:

[1]Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.490. 0126a07). Tham chiếu: S. 38.1 - IV. 251 cho đến S. 38.16 - IV. 261.

[2] Nguyên tác: Na-la tụ lạc (那羅聚落, Nālakagāmaka).

[3] Diêm-phù-xa (閻浮車, Jambukhādaka).

[4] S. 38.16 - IV. 261, Dukkarapañhā Sutta (Kinh khó làm).

[5] Nguyên tác: Hữu đạo hữu hướng (有道有向). Tham chiếu: S. 38.1 - IV. 251: Atthi kho, āvuso, maggo atthi paṭipadā (Thưa ngài, có con đường nào, có đạo lộ nào...).

[6] Chỉ thấy còn 35 mục.

[7] Tham chiếu: S. 38.3 - IV. 253: Dhammavādīpañhā Sutta (Kinh vị thuyết pháp), HT. Thích Minh Châu dịch.

[8] Tham chiếu: Đoạn tri (斷知, parijānāti): Hiểu biết hoàn toàn.

[9] Nguyên tác: Thiện đoạn (善斷). Các bản Tống, Nguyên, Minh đều ghi “thiện thệ” (善逝).

[10] Tham chiếu: S. 38.1 - IV. 251: Nibbānapañhā Sutta (Kinh Niết-bàn).

[11] Tham chiếu: S. 38.4 - IV. 253: Kimatthiya Sutta (Kinh có cái gì).

[12] Tham chiếu: S. 38.8 - IV. 256: Āsavapañhā Sutta (Kinh lậu hoặc).

[13] Nguyên tác: Dục hữu lậu, hữu hữu lậu, vô minh hữu lậu (欲有漏, 有有漏, 無明有漏, tayo āsavā, kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo).

[14] Tham chiếu: S. 38.2 - IV. 252: Arahattapañhā Sutta (Kinh A-la-hán).

[15] Tham chiếu: S. 38.9 - IV. 257: Avijjāpañhā Sutta (Kinh vô minh).

[16] Tham chiếu: S. 38.8 - IV. 256: Āsavapañhā Sutta (Kinh lậu hoặc).

[17] Tham chiếu: S. 38.13 - IV. 259: Bhavapañhā Sutta (Kinh hữu).

[18] Tham chiếu: S. 38.15 - IV. 260: Sakkāyapañhā Sutta (Kinh hữu thân).

[19] Hữu thân (有身) còn gọi là tự thân (自身, sakkāya).

[20] Tham chiếu: S. 38.14 - IV. 259: Dukkhapañhā Sutta (Kinh khổ).

[21] Tham chiếu: S. 38.11 - IV. 258: Oghapañhā Sutta (Kinh bộc lưu).

[22] Lưu (流) còn gọi là “bộc lưu” (暴流, ogha), tên gọi khác của phiền não. Phiền não như dòng thác dữ nhấn chìm chúng sanh trong dòng chảy sanh tử luân hồi nên gọi là “lưu.”

[23] Dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu (欲流, 有流, 見流, 無明流; kāmogha, bhavogha, diṭṭhogha, avijjogha).

[24] Ách (扼) dùng như chữ “ách” (軛), chỉ cho gọng cày.

[25] Tham chiếu: S. 38.12 - IV. 258: Upādānapañhā Sutta (Kinh chấp thủ).

[26] Dục thủ, ngã thủ, kiến thủ, giới thủ (欲取, 我取, 見取, 戒取; kāmupādāna, attavādupādāna, diṭṭhupādāna, sīlabbatupādāna).

[27] Phược (縛, bandhana), tên khác của phiền não. Do các thứ phiền não tham, v.v... trói buộc chúng sanh, khiến không được tự tại nên gọi là “phược.”

[28] Kiết (結, saṃyojana) còn gọi là “kiết sử”, tên gọi khác của phiền não. Phiền não trói buộc chúng sanh trong sanh tử, khiến chúng sanh không được giải thoát nên gọi là “kiết.”

[29] Sử (使) tức “tùy miên”, tên gọi khác của phiền não. Do vì phiền não sai sử chúng sanh lưu chuyển trong sanh tử luân hồi nên gọi phiền não là “sử.”

[30] Nguyên tác: Dưỡng (養). Có lẽ để bản chép nhầm chữ “cái” (蓋, āvaraṇa), chỉ cho phiền não che lấp tâm thanh tịnh, khiến cho thiện tâm không thể phát triển. Có 5 thứ che lấp, gọi là 5 triền cái: tham dục (貪欲, kāmarāga), sân khuể (瞋恚, vyāpāda), thụy miên (睡眠, thinamiddha), trạo cử (掉舉, uddhacca) và nghi (疑, vicikicchā).

[31] Nguyên tác: Tam kiết (三結, tīṇi saṃyojanāni) là 3 thứ trói buộc, gồm thân kiến kiết (身見結, sakkāyadiṭṭhi), giới thủ kiết (戒取結, sīlabbataparāmāsa), nghi kiết (疑結, vicikicchā).

[32] Tham chiếu: S. 38.10 - IV. 257, Taṇhāpañhā Sutta (Kinh khát ái).

[33] Nguyên tác: Nghiệp tích (業跡), tức “nghiệp đạo” (業道).

[34] Trùng với mục 16.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.