Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

459. TỰ MÌNH LÀM VÀ NGƯỜI KHÁC LÀM[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Bà-la-môn đến chỗ đức Phật, thăm hỏi Thế Tôn xong thì đứng sang một bên rồi nói:

_ Chúng sanh vốn chẳng phải do tự mình làm, chẳng phải do người khác làm.[2] Phật bảo Bà-la-môn:

_ Luận thuyết như vậy thì không giống với quan điểm của Như Lai. Hôm nay, ông tự mình đến đây mà sao lại dám nói: “Chúng sanh[3] vốn chẳng phải do tự mình làm, chẳng phải do người khác làm”?

Bà-la-môn thưa:

_ Kính bạch Cù-đàm! Vậy thì chúng sanh là do tự mình làm hay là do người khác làm?

Phật bảo Bà-la-môn:

_ Bây giờ Ta hỏi, ông hãy trả lời theo sự hiểu biết của mình. Này Bà-la-môn! Ý ông nghĩ sao, phải chăng có yếu tố nỗ lực[4] trong chúng sanh để khiến cho các chúng sanh biết tạo ra sự nỗ lực chăng?

Bà-la-môn bạch Phật:

_ Thưa Ngài Cù-đàm! Có yếu tố nỗ lực trong chúng sanh để khiến cho các chúng sanh biết tạo ra sự nỗ lực.

Phật nói với Bà-la-môn:

_ Nếu có yếu tố nỗ lực khiến cho các chúng sanh biết tạo ra sự nỗ lực, đó gọi là chúng sanh tự mình làm và cũng do người khác làm. Này Bà-la-môn! Ý ông nghĩ sao, phải chăng có yếu tố an trú, có yếu tố vững chãi, có yếu tố xuất ly, có yếu tố tạo tác để khiến cho chúng sanh biết có sự tạo tác chăng?

Bà-la-môn bạch Phật:

_ Thưa Ngài Cù-đàm! Có yếu tố an trú, có yếu tố vững chãi, có yếu tố xuất ly, có yếu tố tạo tác để khiến cho chúng sanh biết có sự tạo tác.

Phật nói với Bà-la-môn:

_ Nếu có yếu tố an trú, có yếu tố vững chãi, có yếu tố xuất ly, có yếu tố tạo tác để khiến cho chúng sanh biết tạo tác, đó gọi là chúng sanh tự mình làm và cũng do người khác làm.

Bà-la-môn thưa:

_ Kính bạch Cù-đàm! Vậy thì có sự kiện: Chúng sanh tự mình làm và cũng do người khác làm. Thế gian nhiều việc, bây giờ con xin phép cáo từ.

Phật bảo Bà-la-môn:

_ Thế gian nhiều việc, ông nên biết thời!

Bấy giờ, Bà-la-môn nghe đức Phật dạy xong đã hoan hỷ và tùy hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.459. 0117c02). Tham chiếu: A. 6.38 - III. 337.

[2] Nguyên tác: Chúng sanh phi tự tác, phi tha tác (眾生非自作, 非他作). Tham chiếu: A. 6.38 - III. 337: Natthi attakāro, natthi parakāro (Không có tự mình làm, không có người khác làm), HT. Thích Minh Châu dịch. Đây là một trong những chủ trương của giáo chủ Makkhalī Gosāla, một trong 6 phái triết học Ấn Độ.

[3] Nguyên tác: Ngã (我).

[4] Phương tiện giới (方便界). Phương tiện (方便): Sự tinh tấn, nỗ lực. Giới (界, dhātu) dùng như chữ giới (介), lượng từ, chỉ cho yếu tố.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.