Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Tưởng tham dục sanh khởi do có nhân chứ không phải không có nhân. Tưởng sân hận sanh khởi do có nhân chứ không phải không có nhân. Tưởng não hại sanh khởi do có nhân chứ không phải không có nhân.[2]
Do nhân gì mà tưởng tham dục sanh khởi? Đó là do nhân duyên vào cảnh giới dục. Do duyên vào cảnh giới dục nên sanh khởi tưởng tham dục, ước muốn nhục dục, tư duy về dục, nhiệt tình với dục, tìm cầu dục. Hàng phàm phu mê muội khi đã khởi lên sự tìm cầu dục rồi thì chúng sanh này liền sanh khởi tà vạy qua ba nơi là thân, miệng và ý. Do nhân tà vạy như vậy cho nên trong hiện đời phải chịu khổ, bị khổ não, bị khốn quẫn, bị phiền muộn, bị nhiệt não, sau khi qua đời rồi sanh vào đường ác. Đó gọi là nhân duyên sanh khởi tưởng tham dục.
Do nhân duyên gì mà tưởng sân hận, tưởng não hại sanh khởi? Đó là do nhân duyên vào cảnh giới não hại. Do duyên vào cảnh giới não hại nên sanh khởi tưởng não hại, ước muốn não hại, tư duy não hại, nhiệt tình não hại, tìm cầu não hại. Hàng phàm phu mê muội khi đã khởi tâm tầm cầu não hại rồi thì kẻ ấy liền khởi tà vạy qua ba nơi là thân, miệng và ý. Do sanh khởi tà vạy qua ba nơi này rồi cho nên hiện tại sống trong khổ đau, bị khổ, bị khốn quẫn, bị phiền muộn, bị nhiệt não, sau khi qua đời sẽ sanh vào đường ác. Đó gọi là nhân duyên sanh khởi tưởng não hại.
Này các Tỳ-kheo! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn an trú nơi sự sanh khởi như vậy, tức là sanh khởi những tưởng nguy hiểm[3] mà không tìm cách loại bỏ, không biết tỉnh giác, không biết xa lìa, người ấy hiện đời sống trong khổ đau, bị khổ, bị chướng ngại, bị buồn phiền, bị nhiệt não, sau khi qua đời sẽ sanh vào đường ác.[4]
Ví như có một cánh đồng hoang vắng cách thành ấp, làng xóm không xa, chợt bốc lửa cháy lớn. Nếu không có người đủ năng lực để dập tắt lửa, nên biết rằng các chúng sanh ở trong cánh đồng hoang ấy chắc chắn sẽ bị lửa hại. Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn an trú nơi sự sanh khởi như vậy, tức là sanh khởi những tưởng nguy hiểm, sau khi qua đời sẽ sanh vào đường ác.
Này các Tỳ-kheo! Tưởng xuất ly[5] có nhân sanh khởi chứ không phải không có nhân.
Do nhân gì mà sanh khởi tưởng xuất ly? Đó là do nhân duyên vào cảnh giới xuất ly. Do duyên vào cảnh giới xuất ly nên sanh khởi tưởng xuất ly, ước muốn xuất ly, tư duy xuất ly, nhiệt tình xuất ly, tầm cầu xuất ly. Nghĩa là người trí kia khi có sự tầm cầu xuất ly rồi thì vị ấy liền sanh khởi chánh hạnh qua ba nơi là thân, miệng và ý. Vị ấy nhờ sanh khởi chánh hạnh qua ba nơi như vậy rồi nên hiện đời được an lạc, không khổ đau, không chướng ngại, không phiền muộn, không bức bách, sau khi qua đời được sanh vào cõi lành. Đó gọi là nhân duyên sanh khởi tưởng xuất ly.
Do nhân gì mà sanh khởi tưởng không sân hận, không não hại? Đó là do nhân duyên vào cảnh giới không não hại. Do nhân duyên vào cảnh giới không não hại cho nên sanh khởi tưởng không não hại, ước muốn không não hại, tư duy không não hại, nhiệt tình không não hại, tìm cầu không não hại. Khi người trí kia đã có sự tìm cầu không não hại rồi thì vị ấy liền sanh khởi chánh hạnh qua ba nơi là thân, miệng và ý. Do nhân sanh khởi chánh hạnh qua ba nơi thân, miệng, ý rồi cho nên vị ấy hiện đời sống trong an lạc, không khổ đau, không chướng ngại, không phiền não, không bức bách, sau khi qua đời được sanh vào cõi lành. Đó gọi là nhân sanh khởi tưởng không não hại.
Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn an trú nơi sự sanh khởi như vậy, tức là sự sanh khởi tưởng không não hại, tâm không xa lìa, không buông bỏ, chẳng nhàm chán thì hiện đời được an lạc, không khổ đau, không chướng ngại, không phiền não, không bức bách, sau khi qua đời được sanh vào cõi lành.
Ví như có một cánh đồng hoang gần thành ấp, gần xóm làng bất chợt bốc lửa lớn. Nếu có người đủ khả năng dùng tay chân để dập tắt lửa thì nên biết rằng những chúng sanh sống nương nhờ vào cỏ cây kia đều không bị hại. Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn đang an trú nơi sự sanh khởi như vậy, tức sanh khởi tưởng chân chánh, tâm không xa lìa, không buông bỏ, chẳng nhàm chán thì hiện đời được an lạc, không khổ đau, không chướng ngại, không phiền não, không bức bách, sau khi qua đời được sanh vào cõi lành.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.458. 0117a21). Tham chiếu: S. 14.12 - II. 151.
[2] Gồm dục tưởng (欲想, kāmavitakka), khuể tưởng (恚想, byāpādavitakka) và hại tưởng (害想,vihiṃsāvitakka): 3 bất thiện tưởng, cũng là 3 bất thiện tầm, 3 tư duy tầm cầu bất thiện.
[3] Nguy hiểm tưởng (危險想, visamagata vitakka): Niệm tưởng bất chánh, bị chi phối bởi độc hại.
[4] Tham chiếu: S. 14.12 - II. 151: Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, đối với tưởng bất chánh khởi lên, không gấp từ bỏ, nhiếp phục, chấm dứt, tiêu diệt; vị ấy ngay trong hiện tại trú trong đau khổ, với phiền lao, với sầu não, với nhiệt não; và sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào ác thú (HT. Thích Minh Châu dịch).
[5] Nguyên tác: Xuất yếu tưởng (出要想, nekkhammavitakka): Ý tưởng thoát ly, xuất ly, tư duy tầm cầu sự thoát ly.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.