Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

485. CÁC LOẠI CẢM THỌ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Vua Bình-sa[2] đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di[3], cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi sang một bên và thưa rằng:

_ Thế Tôn nói về các thọ như thế nào?

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

_ Đại vương! Thế Tôn nói có ba thọ. Đó là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc và cảm thọ không khổ không lạc.

Vua Bình-sa thưa:

_ Chớ nói rằng: “Thế Tôn nói có ba thọ. Đó là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc và cảm thọ không khổ không lạc.” Đúng ra chỉ có hai thọ là cảm thọ khổ và cảm thọ lạc, bởi vì không khổ không lạc thọ kia chính là tịch diệt.

Nói ba lần như thế, nhưng Tôn giả Ưu-đà-di không thể vì vua mà xác lập ba thọ, vua cũng không thể xác lập hai thọ, liền cùng đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.

Thế rồi, Tôn giả Ưu-đà-di bạch lại với Phật những việc như trên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Con không thể xác lập ba thọ và Vua Bình-sa cũng không thể xác lập hai thọ, nên hôm nay chúng con cùng đến đây để hỏi Thế Tôn về nghĩa này, rốt cuộc là có mấy thọ?

Đức Phật bảo Ưu-đà-di:

_ Ta có khi nói một thọ, có khi nói hai thọ, có khi nói ba, bốn, năm, sáu, mười tám, ba mươi sáu cho đến một trăm lẻ tám thọ, hoặc có khi nói vô lượng thọ.

Ta nói một thọ như thế nào? Nói tất cả các thọ đều khổ. Đó là Ta nói một thọ.

Ta nói hai thọ như thế nào?  Nói về thân cảm thọ và tâm cảm thọ. Đó là Ta nói hai thọ.

Ta nói ba thọ như thế nào? Đó là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc.

Ta nói bốn thọ như thế nào? Đó là thọ hệ thuộc Dục giới, thọ hệ thuộc Sắc giới, thọ hệ thuộc Vô Sắc giới và thọ không hệ thuộc các giới đó.

Ta nói năm thọ như thế nào? Đó là thọ sanh khởi từ lạc căn, hỷ căn, khổ căn, ưu căn và xả căn. Đó là năm thọ.

Ta nói sáu thọ như thế nào? Đó là thọ sanh khởi từ nhãn xúc; thọ sanh khởi từ nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xúc. Đó là sáu thọ.

Ta nói mười tám thọ như thế nào? Đó là thọ sanh khởi theo sáu hỷ hành, sáu ưu hành và sáu xả hành. Đó là mười tám thọ.

Ta nói ba mươi sáu thọ như thế nào? Nghĩa là thọ sanh khởi từ sáu hỷ do tham trước, sáu hỷ do lìa tham, sáu ưu do tham trước, sáu ưu do lìa tham, sáu xả do tham trước, sáu xả do lìa tham. Đó là ba mươi sáu thọ.

Ta nói một trăm lẻ tám thọ như thế nào? Đó là ba mươi sáu thọ quá khứ, ba mươi sáu thọ vị lai, ba mươi sáu thọ hiện tại. Đó là một trăm lẻ tám thọ.

Ta nói vô lượng thọ như thế nào? Như nói thọ này, thọ kia...  Ví như dùng vô lượng tên để nói, đó gọi là vô lượng thọ.

Này Ưu-đà-di! Ta nói ý nghĩa như thật của các thọ qua nhiều hình thức như vậy, thế gian không hiểu nên tranh luận nhau, mâu thuẫn nhau, rốt cuộc không hiểu được ý nghĩa chân thật trong giáo pháp của Ta để tự mình dừng lại tranh luận. Ưu-đà-di! Đối với những ý nghĩa của thọ mà Ta vừa nói ở trên, nếu hiểu đúng như thật thì không khởi tranh luận, không mâu thuẫn nhau. Khi tranh luận đã khởi hay chưa khởi thì có thể dùng giáo pháp này ngăn chặn, khiến chấm dứt tranh luận.

Tuy nhiên, này Ưu-đà-di! Có hai thọ, đó là thọ dục và thọ ly dục.

Thế nào là thọ dục? Do năm loại dục[4] làm nhân duyên khiến sanh khởi thọ. Đó gọi là thọ dục.

Thế nào là thọ ly dục ? Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, có giác có quán, an trú hỷ lạc do ly dục sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ nhất. Đó gọi là thọ ly dục.

Nếu có người nói: “Chúng sanh nương theo Thiền thứ nhất này, chỉ có đây là lạc, không còn gì hơn nữa” thì điều này không đúng. Vì sao như vậy? Vì còn có lạc thù thắng hơn lạc này. Đó là lạc gì? Tỳ-kheo diệt trừ giác và quán, nội tĩnh nhất tâm, an trú hỷ lạc do định sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ hai. Đó gọi là lạc thù thắng. Như thế cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, càng lên cao càng thù thắng hơn.

Nếu có người nói: “Chỉ có xứ này, Phi tưởng phi phi tưởng xứ đây là cực lạc, chẳng còn chỗ nào hơn”, nói như thế cũng không đúng. Vì sao như vậy? Vì còn có lạc thù thắng hơn nữa, đó là lạc gì? Tỳ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tự thân chứng nghiệm trọn vẹn Diệt thọ tưởng định[5] thì lạc ở đây thù thắng hơn kia.

Nếu có tu sĩ ngoại đạo nói: “Sa-môn Thích tử chỉ nói đến Diệt thọ tưởng định, cho lạc ở đây là tột cùng” thì điều này không đúng. Vì sao như vậy? Nên nói rằng: “Trên đây chẳng phải số lượng thọ hay lạc mà Thế Tôn muốn nói. Thế Tôn nói số lượng thọ và lạc như vầy: Này Ưu-đà-di! Có bốn lạc. Những gì là bốn? Đó là lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt và lạc giải thoát.”[6]

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Ưu-đà-di và Vua Bình-sa nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.485. 0123c21). Tham chiếu: S. 36.19 - IV. 223; M. 59, Bahuvedanīya Sutta (Kinh nhiều cảm thọ).

[2] Bình-sa (瓶沙, Bimbisāra) cũng gọi là Tần-tỳ-sa-la (頻鞞娑邏), Tần-bà-sa-la (頻婆娑羅), vua nước Ma-kiệt-đà (摩竭陀, Magadha).

[3] Ưu-đà-di (優陀夷, Udāyi).

[4] Nguyên tác: Ngũ dục công đức (五欲功德). Xem chú thích 66, kinh số 211, quyển 8, tr. 233; Tạp. 雜 (T.02. 0099.211. 0053a26).

[5] Nguyên tác: Tưởng thọ diệt (想受滅), nơi mà tưởng và thọ tịch diệt, vắng lặng thường được gọi là Diệt thọ tưởng định hay Diệt tận định.

[6] Nguyên tác: Bồ-đề lạc (菩提樂).

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.