Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

457. THUYẾT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên [2], thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, sau thời tọa thiền buổi chiều, đức Thế Tôn đến chỗ bóng mát của giảng đường, trải tòa ngồi trước đại chúng và nói những câu kệ Ưu-đàn-na[3] rồi bảo các Tỳ-kheo:

_ Này các Tỳ-kheo! Do duyên giới nên thuyết sanh khởi, [4] chứ chẳng phải không do giới. Do duyên giới nên kiến sanh khởi, chứ chẳng phải không do giới. Do duyên giới nên tưởng sanh khởi, chứ chẳng phải không do giới.

Như Lai nói do duyên giới thấp kém nên sẽ sanh thuyết thấp kém,[5] kiến thấp kém, tưởng thấp kém, tư niệm thấp kém, mong cầu thấp kém, ước nguyện thấp kém [6], nhân thân thấp kém,[7] việc làm thấp kém, xử trí thấp kém, kiến lập thấp kém, thành phần thấp kém, hiển bày thấp kém và thọ sanh thấp kém.

Đối với trường hợp duyên và cảnh giới bậc trung cũng tương tự như thế. Đối với cảnh giới thù thắng cũng vậy. Do duyên vào cảnh giới thù thắng, Như Lai nói người kia sẽ sanh thuyết thù thắng, kiến thù thắng, tưởng thù thắng, tư niệm thù thắng, ước nguyện thù thắng, nhân cách thù thắng, việc làm thù thắng, xử trí thù thắng, kiến lập thù thắng, thành phần thù thắng, hiển bày thù thắng và thọ sanh thù thắng.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo Bà-ca-lợi[8] đang đứng cầm quạt hầu sau lưng Phật, thưa rằng:

_ Kính bạch Thế Tôn! Nếu đối với bậc Chánh đẳng Chánh giác mà sanh kiến giải chẳng phải của bậc Chánh đẳng Chánh giác thì kiến giải này cũng duyên theo cảnh giới mà sanh ư?

Phật bảo Tỳ-kheo ấy:

_ Đối với bậc Chánh đẳng Chánh giác mà sanh kiến giải chẳng phải của bậc Chánh đẳng Chánh giác thì cũng duyên theo cảnh giới mà sanh, chẳng phải không duyên theo cảnh giới. Sở dĩ vì sao? Vì cảnh giới của phàm phu là cảnh giới vô minh. Như trước Như Lai đã nói, duyên vào cảnh giới thấp kém thì sanh khởi thuyết thấp kém, kiến thấp kém, (cho đến) thọ sanh thấp kém. Đối với cảnh giới bậc trung và cảnh giới thù thắng cũng giống như vậy. Duyên vào cảnh giới thù thắng thì sanh khởi thuyết thù thắng, kiến thù thắng, (cho đến) thọ sanh thù thắng.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.457. 0117a03). Tham chiếu: S. 14.13 - II. 153.

[2] Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東🖃鹿子母講堂). Xem chú thích 121, kinh số 58, quyển 2, tr. 62; Tạp. 雜 (T.02. 0099.58. 0014b12).

[3] Ưu-đàn-na (優檀那, Udāna): Vô vấn tự thuyết (無問自說) còn gọi là Phật tự thuyết (佛自說), Cảm hứng ngữ (感興悟), Ô-đà-nam (烏陀南), Ốt-đà-na (嗢陀那), Ổ-đà-nam (鄔陀南), Ưu-đà-na (憂陀那), Uất-đà-na (鬱陀那).

[4] Tham chiếu: S. 14.13 - II. 153: Dhātuṁ, bhikkhave, paṭicca uppajjati saññā. (Này các Tỳ-kheo, duyên giới, tưởng sanh khởi).

[5] Nguyên tác: Hạ thuyết (下說): Ngôn ngữ hạ đẳng, thấp kém.

[6] Nguyên tác: Hạ dục (下欲): Dục cầu hay hy vọng thấp kém.

[7] Nguyên tác: Hạ sĩ phu (下士夫): Nhân cách thấp kém.

[8] Bà-ca-lợi (婆迦利). S. 14.13 - II. 153: Saddha Kaccāyana.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.