Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Có niệm tưởng liên hệ đến vật chất,[2] có niệm tưởng không liên hệ đến vật chất, có niệm tưởng không liên hệ đến vật chất [ thù thắng hơn so với các ] niệm tưởng không liên hệ đến vật chất; có lạc liên hệ đến vật chất;[3] có lạc không liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] lạc không liên hệ đến vật chất; có xả liên hệ đến vật chất,[4] có xả không liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất [ thù thắng hơn so với các ] xả không liên hệ đến vật chất; có giải thoát liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất [ thù thắng hơn so với các ] giải thoát không liên hệ đến vật chất.
Thế nào là niệm có liên hệ đến vật chất? Đó chính là niệm do năm dục làm nhân duyên sanh khởi.[5]
Thế nào là niệm không liên hệ đến vật chất? Tỳ-kheo ly dục, ly ác, bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ nhất. Đó gọi là niệm không liên hệ đến vật chất.
Thế nào là niệm không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] niệm không liên hệ đến vật chất? Tỳ-kheo diệt trừ giác và quán, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, an trú hỷ lạc do định sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ hai. Đó gọi là niệm không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] niệm không liên hệ đến vật chất.
Thế nào là lạc có liên hệ đến vật chất? Đó chính là lạc do năm dục làm nhân duyên sanh khởi.
Thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất? Diệt trừ giác và quán, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, an trú hỷ lạc do định sanh. Đó gọi là lạc không liên hệ đến vật chất.
Thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] lạc không liên hệ đến vật chất? Tỳ-kheo lìa hỷ tham, tâm an trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, điều mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Đó gọi là lạc không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] lạc không liên hệ đến vật chất.
Thế nào là xả có liên hệ đến vật chất? Đó chính là xả do năm dục làm nhân duyên sanh khởi.
Thế nào là xả không liên hệ đến vật chất? Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, điều mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, an trú trọn vẹn Thiền thứ ba. Đó gọi là xả không liên hệ đến vật chất.
Thế nào là xả không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] xả không liên hệ đến vật chất? Tỳ-kheo lìa khổ, dứt lạc, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, an trú trọn vẹn Thiền thứ tư. Đó gọi là xả không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] xả không liên hệ đến vật chất.
Thế nào là giải thoát có liên hệ đến vật chất? Nghĩa là giải thoát có liên hệ với sắc. [6]
Thế nào là giải thoát không liên hệ đến vật chất? Nghĩa là giải thoát liên hệ với vô sắc.
Thế nào là giải thoát không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] giải thoát không liên hệ đến vật chất? Tỳ-kheo không nhiễm tham dục, được giải thoát; không nhiễm sân hận, ngu si, được giải thoát; đó gọi là giải thoát không liên hệ đến vật chất [thù thắng hơn so với các] giải thoát không liên hệ đến vật chất.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.483. 0123a23). Tham chiếu: S. 36.30-31 - IV. 235.
[2] Nguyên tác: Thực niệm (食念). Thực (食, sāmisa) chỉ cho vật thực, thức ăn, dục tình. Niệm (念) ở đây chính là “niệm tưởng.” Ở kinh S. 35.30 - IV. 21, viết là naññi, được HT. Thích Minh Châu dịch là “tư lường.”
[3] Vô thực vô thực niệm (無食無食念). Đoạn đầu của bản Hán không có tương đương so với bản Pāli. Tuy nhiên, cấu trúc vô thực vô thực niệm ở bản Hán giống với cấu trúc kinh S. 36.31 - IV. 235, trong văn hệ Pāli ở đoạn kế tiếp: Atthi nirāmisā nirāmisatarā pīti (có hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia), HT. Thích Minh Châu dịch. Bản Hán không dịch hai chữ tara (còn hơn, vượt qua...). Chúng tôi dựa trên cấu trúc này để hoàn thiện bản Hán.
[4] Thực xả (食捨, sāmisā upekkhā).
[5] Nguyên tác: Vân hà hữu thực niệm? Vị: Ngũ dục nhân duyên sanh niệm (云何[有]食念? 謂: 五欲因緣生念). Tham chiếu: S. 36.31 - IV. 235: Yā kho, bhikkhave, ime pañca kāmaguṇe paṭicca uppajjati pīti, ayaṃ vuccati, bhikkhave, sāmisā pīti (Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, hỷ khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ liên hệ đến vật chất), HT. Thích Minh Châu dịch.
[6] Nguyên tác: Sắc câu hành (色俱行, rūpappaṭisaṃyutto).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.