Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

481. SANH KHỞI CẢM THỌ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú trong rừng Nhất-xa-năng-già-la[2], ở thôn[3] Nhất-xanăng-già-la.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Ta muốn tọa thiền nửa tháng ở nơi này. Này các Tỳ-kheo! Đừng du hành nữa, ngoại trừ khất thực và Bố-tát.

Rồi Thế Tôn liền tọa thiền, không du hành nữa, ngoại trừ khất thực và Bố-tát.[4]

Bấy giờ, nửa tháng đã trôi qua, Thế Tôn trải tọa cụ ngồi trước đại chúng rồi bảo các Tỳ-kheo:

_ Khi mới thành Phật, Ta tư duy về thiền pháp và một số thiền chi[5]. Trong nửa tháng nay, Ta cũng tư duy rồi khởi niệm như vầy: “Chúng sanh sanh khởi các thọ đều có nhân duyên, chẳng phải không có nhân duyên. Thế nào là nhân duyên? Dục là nhân duyên, giác[6] là nhân duyên, xúc là nhân duyên.”

Này các Tỳ-kheo! Dục không vắng lặng, giác không vắng lặng, xúc không vắng lặng, do nhân duyên này nên chúng sanh khởi các thọ, do nhân duyên không vắng lặng ấy nên chúng sanh khởi cảm thọ.

Dục vắng lặng mà giác không vắng lặng và xúc không vắng lặng, do nhân duyên này nên chúng sanh khởi các thọ, do nhân duyên không vắng lặng ấy nên chúng sanh khởi cảm thọ.

Dục vắng lặng, giác vắng lặng mà xúc không vắng lặng, do nhân duyên này nên chúng sanh khởi các thọ, do nhân duyên không vắng lặng ấy nên chúng sanh khởi cảm thọ.

Dục vắng lặng, giác vắng lặng, xúc vắng lặng, do nhân duyên này nên chúng sanh khởi các thọ, do nhân duyên vắng lặng ấy nên chúng sanh khởi cảm thọ.

Do nhân duyên tà kiến nên chúng sanh khởi các thọ; do nhân duyên tà kiến không vắng lặng nên chúng sanh khởi cảm thọ. Do nhân duyên tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà giải thoát và tà trí nên chúng sanh khởi các thọ; do nhân duyên tà trí không vắng lặng nên chúng sanh khởi cảm thọ.

Do nhân duyên chánh kiến nên chúng sanh khởi các thọ; do nhân duyên chánh kiến vắng lặng nên chúng sanh khởi cảm thọ. Do nhân duyên chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát và chánh trí nên chúng sanh khởi các thọ; do nhân duyên chánh trí vắng lặng nên chúng sanh khởi cảm thọ.

Nếu dục kia chưa được mà được, chưa thành tựu mà thành tựu, chưa chứng mà chứng; do nhân duyên đó nên chúng sanh khởi các thọ, do nhân duyên vắng lặng đó nên chúng sanh khởi cảm thọ. Đó gọi là do nhân duyên không vắng lặng mà chúng sanh khởi cảm thọ và do nhân duyên vắng lặng mà chúng sanh khởi cảm thọ.

Nếu Sa-môn, Bà-la-môn đối với duyên duyên,[7] duyên duyên tập khởi, duyên duyên vắng lặng, con đường đưa đến duyên duyên tập khởi, con đường đưa đến duyên duyên vắng lặng mà không biết đúng như thật thì người ấy chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Bà-la-môn, chẳng giống Sa-môn, chẳng giống Bà-la-môn, chẳng đạt mục đích của Sa-môn, chẳng đạt mục đích của Bà-lamôn, hiện đời chẳng thể tự tri tác chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Nếu Sa-môn hay Bà-la-môn nào đối với duyên duyên, duyên duyên tập khởi, duyên duyên vắng lặng, con đường đưa đến duyên duyên tập khởi, con đường đưa đến duyên duyên vắng lặng mà biết đúng như thật, nên biết người này là Sa-môn xứng với bậc Sa-môn, là Bà-la-môn xứng với bậc Bà-la-môn; đều là bậc Sa-môn, đều là bậc Bà-la-môn; đạt mục đích của Sa-môn, đạt mục đích của Bà-la-môn, tự biết, tự ngộ trong đời hiện tại: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.481. 0122b13). Tham chiếu: S. 54.11 - V. 325.

[2] Nguyên tác: Nhất-xa-năng-già-la lâm (壹奢能伽羅林, Icchānaṅgalavāna).

[3] Nguyên tác: Quốc (國). Theo S. 54.11 - V. 325, đây là một thôn làng thuộc nước Kosala.

[4] Bố-tát (布薩, Uposatha), theo luật Phật chế, các Tỳ-kheo mỗi nửa tháng cùng vân tập một nơi nghe tụng giới, sám hối..., nhằm tăng trưởng thiện pháp, công đức. Tham chiếu: S. 54.11 - V. 325: Ta muốn sống độc cư thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại (HT. Thích Minh Châu dịch).

[5]  Thiền phần (禪分) chỉ cho 5 thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) ở các tầng thiền.

[6] Giác (覺, Vitakka) tức tầm hay tư duy tầm cầu.

[7] Duyên duyên (緣緣), một trong 4 duyên (四缘). Bốn duyên gồm “nhân duyên” (因缘), “tăng thượng duyên” (增上缘), “thứ đệ duyên” (次第缘) hay “đẳng vô gián duyên” (等无间缘) và “duyên duyên” (缘缘) hay “sở duyên duyên” (所缘缘).

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.