Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

474. VẮNG LẶNG VÀ TỊNH CHỈ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình ở chỗ thanh vắng, thiền tọa tư duy, suy nghĩ như vầy: “Thế Tôn nói có ba loại cảm thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ; rồi Ngài lại nói các loại cảm thọ đều là khổ. Điều này có nghĩa gì?”

Tôn giả suy nghĩ như thế rồi liền xả thiền đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên, thưa rằng:

_ Bạch Thế Tôn! Con ở chỗ thanh vắng, thiền tọa dư duy, khởi niệm như vầy: “Thế Tôn nói có ba loại cảm thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ; rồi Ngài lại nói các loại cảm thọ đều là khổ. Điều này có nghĩa gì?”

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

_ Vì tất cả hành đều vô thường, vì tất cả hành đều là pháp biến dịch cho nên Ta nói tất cả các thọ đều là khổ. Lại nữa, A-nan! Do các hành lần lượt vắng lặng, do các hành lần lượt tịnh chỉ nên Ta nói tất cả các thọ đều là khổ.

Tôn giả A-nan thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Các hành lần lượt vắng lặng như thế nào?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

_ Khi nhập Thiền thứ nhất[2] thì ngôn ngữ vắng lặng; khi nhập Thiền thứ hai thì giác, quán [3] vắng lặng; khi nhập Thiền thứ ba thì tâm hỷ vắng lặng; khi nhập Thiền thứ tư thì hơi thở ra vào vắng lặng. Lại nữa, khi nhập Không vô biên xứ thì sắc tưởng vắng lặng; khi nhập Thức vô biên xứ thì không vô biên tưởng vắng lặng; khi nhập Vô sở hữu xứ thì thức vô biên tưởng vắng lặng; khi nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì vô sở hữu tưởng vắng lặng; khi nhập Diệt thọ tưởng định thì tưởng và thọ vắng lặng. Đó gọi là các hành lần lượt vắng lặng.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

_ Bạch Thế Tôn! Thế nào là các hành lần lượt tịnh chỉ?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

_ Khi nhập Thiền thứ nhất thì ngôn ngữ tịnh chỉ; khi nhập Thiền thứ hai thì giác, quán tịnh chỉ; khi nhập Thiền thứ ba thì tâm hỷ tịnh chỉ; khi nhập Thiền thứ tư thì hơi thở ra vào tịnh chỉ. Lại nữa, khi nhập Không vô biên xứ thì sắc tưởng tịnh chỉ; khi nhập Thức vô biên xứ thì không vô biên tưởng tịnh chỉ; khi nhập Vô sở hữu xứ thì thức vô biên tưởng tịnh chỉ; khi nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì vô sở hữu tưởng tịnh chỉ; khi nhập Diệt thọ tưởng định thì tưởng và thọ tịnh chỉ. Đó gọi là các hành lần lượt tịnh chỉ.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

_ Bạch Thế Tôn! Đó chính là các hành lần lượt tịnh chỉ.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

_ Lại có tịnh chỉ thù thắng, tịnh chỉ kỳ đặc, tịnh chỉ tối thượng và tịnh chỉ vô thượng; tịnh chỉ như thế, không có tịnh chỉ nào hơn được nữa.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

_ Bạch Thế Tôn! Thế nào là tịnh chỉ thù thắng, tịnh chỉ kỳ đặc, tịnh chỉ tối thượng và tịnh chỉ vô thượng; tịnh chỉ như thế, không có tịnh chỉ nào hơn được nữa?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

_ Đối với tham, tâm không vui thích, được giải thoát; đối với sân và si, tâm không vui thích, được giải thoát. Đó gọi là tịnh chỉ thù thắng, tịnh chỉ kỳ đặc, tịnh chỉ tối thượng và tịnh chỉ vô thượng. Tịnh chỉ như thế, không có tịnh chỉ nào hơn được nữa.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜(T.02. 0099.474. 0121a19). Tham chiếu: Tạp. 雜(T.02. 0099.473. 0121a02); Tạp. 雜(T.02. 0099.476. 0121c13). S. 36.1 - IV. 204; S. 36.11 - IV. 216; S. 36.15-18 - IV. 219-22.

[2] Nguyên tác: Sơ thiền chánh thọ thời (初禪正受時). Ở đây, “chánh thọ” (正受) có nghĩa nhập định, thành tựu định.

[3] Nguyên tác: Giác quán (覺觀), tức tầm và tứ. P. Savitakkaṃ, savicāraṃ.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.