Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

456. CẢNH GIỚI THIỀN ĐỊNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Có Quang giới[2], Tịnh giới[3], Vô lượng không nhập xứ giới[4], Vô lượng thức nhập xứ giới[5], Vô sở hữu nhập xứ giới[6], Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới[7], Hữu diệt giới[8].

Khi ấy, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi lạy sát chân Phật rồi bạch:

_ Kính bạch Thế Tôn! Có Quang giới, Tịnh giới, Vô lượng không nhập xứ giới, Vô lượng thức nhập xứ giới, Vô sở hữu nhập xứ giới, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới và Hữu diệt giới. Do nhân duyên gì để có thể biết các giới như thế ấy?

Phật nói với Tỳ-kheo ấy:

_ Do duyên vào tối tăm nên biết được Quang giới. Do duyên vào bất tịnh nên biết được Tịnh giới. Do duyên sắc nên biết được Vô lượng không nhập xứ giới. Do duyên vào hư không[9] nên biết được Vô lượng thức nhập xứ giới. Do duyên vào sở hữu[10] nên biết được Vô sở hữu nhập xứ giới. Do duyên Hữu đệ nhất[11] nên biết được Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới. Do duyên hữu thân[12] nên biết được Diệt giới.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

_ Nhờ vào chánh định[13] gì mà đạt được Quang giới, Tịnh giới, Vô lượng không nhập xứ giới, Vô lượng thức nhập xứ giới, Vô sở hữu nhập xứ giới, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới và Diệt giới?

Phật bảo Tỳ-kheo:

_ Nhờ vào sự tự thực hành chánh định mà đạt được các giới như Quang giới, Tịnh giới, Vô lượng không nhập xứ giới, Vô lượng thức nhập xứ giới và Vô sở hữu nhập xứ giới, còn Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới là nhờ chánh định của Hữu đệ nhất mà đạt được. Diệt giới là nhờ chánh định của hữu thân diệt[14] mà có được.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.456. 0116c12). Tham chiếu: S. 14.11 - II. 149.

[2] Quang giới (光界): Cảnh giới ánh sáng.

[3] Tịnh giới (淨界): Cảnh giới tịnh khiết.

[4] Vô lượng không nhập xứ giới (無量空入處界): Cảnh giới hư không vô biên.

[5] Vô lượng thức nhập xứ giới (無量識入處界): Cảnh giới thức vô biên.

[6] Vô sở hữu nhập xứ giới (無所有入處界): Cảnh giới vô sở hữu.

[7] Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới (非想非非想入處界): Cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng.

[8] Hữu diệt giới (有滅界): Cảnh giới diệt tận tưởng và thọ.

[9] Nguyên tác: Nội không (內空): Hư không vô biên.

[10] Nguyên tác: Sở hữu (所有): Thức vô biên xứ.

[11] Hữu đệ nhất (有第一) hay hữu đảnh, chóp đỉnh của hữu, cao nhất trong các cõi Hữu.

[12] Hữu thân (有身, sakkāya).

[13] Nguyên tác: Chánh thọ (正受), còn gọi là chánh định hoặc đẳng chí, trạng thái tập trung, hợp nhất tư tưởng. Có 9 bậc định như vậy: 4 Sắc giới thiền, 4 Vô Sắc định và Diệt tận định.

[14] Hữu thân diệt (有身滅): Các thân kiến đã diệt tận.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.