Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo sống một mình ở nơi thanh vắng, thiền tọa tư duy [2], suy nghĩ như vầy: “Thế Tôn nói có ba loại cảm thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ và cảm thọ không lạc không khổ; rồi Ngài lại nói những gì thuộc về cảm thọ đều là khổ. Điều này có nghĩa gì?”
Tỳ-kheo suy nghĩ như thế rồi bèn xả thiền đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên, thưa rằng:
_ Bạch Thế Tôn! Con ở chỗ thanh vắng, thiền tọa dư duy, khởi niệm như vầy: “Thế Tôn nói có ba thọ là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ; rồi Ngài lại nói những gì thuộc về cảm thọ đều là khổ. Điều này có nghĩa gì?” Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
_ Vì tất cả hành đều vô thường, vì tất cả hành đều là pháp biến dịch cho nên Ta nói những gì thuộc về cảm thọ đều là khổ.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Biết các hành vô thường,
Đều là pháp biến dịch,
Nên nói thọ đều khổ,
Đấng Chánh Giác biết rõ.
Tỳ-kheo gắng tinh tấn,
Tỉnh giác, không dao động,
Đối với tất cả thọ,
Trí tuệ thường thấu rõ.
Thấu rõ các thọ rồi,
Hiện đời sạch các lậu,
Mạng chung, không luân hồi,[3]
Vĩnh viễn nhập Niết-bàn.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜(T.02. 0099.473. 0121a02). Tham chiếu: Tạp. 雜(T.02. 0099.474. 0121a19); Tạp. 雜(T.02. 0099.476. 0121c13). S. 36.1 - IV. 204; S. 36.11 - IV. 216; S. 36.15-18 - IV. 219-22.
[2] Nguyên tác: Thiền tư (禪思, paṭisallāṇa, paṭisallīna).
[3] Nguyên tác: Bất đọa số (不墮數). Số (數) là thể rút gọn của “chư số” (諸數). Xem chú thích 35, kinh số 16, quyển 1, tr. 12; Tạp. 雜 (T.02. 0099.16. 0003b14).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.