Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Ví như giữa hư không bỗng nổi lên trận gió dữ từ bốn phương thổi đến: Gió đầy bụi bặm, gió không bụi bặm, gió Tỳ-thấp-ba[2], gió Tỳ-lam-bà [3], gió nhẹ, gió mạnh, cho đến phong luân[4] nổi gió. Gió cảm thọ trong thân thể cũng như thế, rất nhiều loại cảm thọ dấy khởi: Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ; thân cảm thọ lạc, thân cảm thọ khổ, thân cảm thọ không lạc không khổ; tâm cảm thọ lạc, tâm cảm thọ khổ, tâm cảm thọ không lạc không khổ; khi hưởng thụ vật chất có cảm thọ lạc[5], khi hưởng thụ vật chất có cảm thọ khổ, khi hưởng thụ vật chất có cảm thọ không lạc không khổ; khi không hưởng thụ vật chất có cảm thọ lạc, khi không hưởng thụ vật chất có cảm thọ khổ, khi không hưởng thụ vật chất có cảm thọ không lạc không khổ; khi tham có cảm thọ lạc, khi tham có cảm thọ khổ, khi tham có cảm thọ không lạc không khổ; khi xuất ly có cảm thọ lạc, khi xuất ly có cảm thọ khổ, khi xuất ly có cảm thọ không lạc không khổ.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Ví như giữa hư không,
Đủ loại cuồng phong khởi,
Khắp Đông, Tây, Nam, Bắc,
Bốn hướng đều như vậy.
Có bụi và không bụi,
Cho đến phong luân nổi,
Trong thân này cũng thế,
Các thọ cũng dấy lên.
Thọ lạc hoặc thọ khổ,
Thọ không khổ không lạc,
Vật chất hoặc tinh thần,
Tham trước, chẳng tham trước.
Tỳ-kheo gắng tinh tấn,
Tỉnh giác, không dao động,[6]
Đối với tất cả thọ,
Trí tuệ thường thấu rõ.
Do liễu tri các thọ,
Hiện đời sạch các lậu,
Mạng chung, không luân hồi,[7]
Vĩnh viễn nhập Niết-bàn.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.471. 0120b15). Tham chiếu: S. 36.12 - IV. 219;S. 36.13 - IV. 219.
[2] Tỳ-thấp-ba phong (毘濕波風). Theo Du-già luận ký 瑜伽論記 (T.42. 1828.7. 0447b10), đó là loại gió với nhiều thứ trang nghiêm, tinh xảo (毘濕婆風者. 此云種種巧莊嚴風).
[3] Tỳ-lam-bà phong (鞞嵐婆風, verambhavāta) tức “tấn mãnh phong” (迅猛風), “bạo phong” (暴風): Gió mạnh, bão.
[4] Phong luân (風輪), một trong 4 luân (四輪), gồm không luân (空輪), thủy luân (水輪), phong luân(風輪), kim luân (金輪).
[5] Lạc thực thọ (樂食受). Tham chiếu: M. 10, Mahāsatipaṭṭhānasutta (Kinh đại niệm xứ): Sāmisaṃ vā sukhaṃ vedanaṃ vedayamāno (cảm giác thọ lạc của nhục thể).
[6] Nguyên tác: Chánh trí bất khuynh động (正智不傾動). Chánh trí (正智), đây là thể rút ngắn của “chánh tri chánh niệm” (正知正念), chỉ cho chánh niệm tỉnh giác. Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.468. 0119b11) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.470. 0119c28).
[7] Nguyên tác: Bất đọa số (不墮數). Số (數) là thể rút gọn của “chư số” (諸數). Xem chú thích 35, kinh số 16, quyển 1, tr. 12; Tạp. 雜 (T.02. 0099.16. 0003b14).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.