Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
_ Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết khởi sanh cảm thọ khổ, cảm thọ lạc và cảm thọ không khổ không lạc; Thánh đệ tử đa văn cũng khởi sanh cảm thọ khổ, cảm thọ lạc và cảm thọ không khổ không lạc. Này các Tỳ-kheo! Như vậy, giữa phàm phu và Thánh nhân có gì khác nhau?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
_ Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
_ Hãy lắng nghe kỹ, khéo tư duy! Ta sẽ vì các thầy giảng nói. Này các Tỳ-kheo! Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, thân xúc chạm sanh khởi các thọ, tăng thêm thống khổ, thậm chí mất mạng, rồi lo buồn than oán, khóc lóc kêu gào, tâm sanh cuồng loạn thì ngay lúc ấy tăng trưởng hai thọ: Thân thọ và tâm thọ.
Ví như có người bị trúng hai mũi tên độc, hết sức đau đớn. Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết cũng giống như thế, tăng trưởng hai thọ: Thân thọ và tâm thọ, vô cùng khổ sở. Vì sao như thế? Vì phàm phu mê muội thiếu hiểu biết ấy không có tuệ tri nên khi tiếp xúc với năm dục thì khởi sanh cảm thọ lạc, hưởng thụ năm dục lạc. Vì hưởng thụ năm dục lạc nên bị kiết sử tham sai khiến. Lại nữa, khi tiếp xúc với cảm thọ khổ thì sanh sân hận, do sanh khởi sân hận nên bị kiết sử sân sai khiến. Lại nữa, đối với hai thọ này cũng không biết đúng như thật về sự tập khởi, diệt tận, vị ngọt, tai họa và thoát ly; vì không biết đúng như thật nên sanh khởi cảm thọ không khổ không lạc, bị kiết sử si sai khiến. Bị cảm thọ lạc trói buộc không thể lìa, bị cảm thọ khổ trói buộc không thể lìa, bị cảm thọ không khổ không lạc trói buộc không thể lìa. Trói buộc như thế nào? Nghĩa là bị tham, sân, si trói buộc; bị sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não trói buộc.
Thánh đệ tử đa văn khi thân xúc chạm sanh khởi cảm thọ khổ, thống khổ bức bách, thậm chí mất mạng, nhưng không lo buồn than oán, khóc lóc kêu gào, tâm không phát loạn cuồng thì ngay lúc ấy chỉ sanh một thứ thọ, đó là thân thọ, không sanh tâm thọ.
Ví như có người bị trúng một mũi tên độc, nhưng không để cho trúng tiếp mũi thứ hai, ngay khi ấy chỉ sanh một cảm thọ, đó là thân thọ, không sanh tâm thọ. Vì tiếp xúc với cảm thọ lạc mà không nhiễm dục lạc, do không nhiễm dục lạc nên ngay với cảm thọ lạc ấy, vị ấy không bị kiết sử tham sai khiến. Lại nữa, khi tiếp xúc cảm thọ khổ không sanh sân hận, do không sanh sân hận nên không bị kiết sử sân sai khiến. Lại nữa, đối với hai kiết sử này cũng biết đúng như thật về sự tập khởi, diệt tận, khoái lạc, họa hoạn và xa lìa; vì biết đúng như thật rồi nên ngay nơi cảm thọ không khổ không lạc, vị ấy không bị kiết sử si sai khiến. Như vậy thì ngay nơi cảm thọ lạc được giải thoát, không bị trói buộc; ngay nơi cảm thọ khổ và cảm thọ không khổ không lạc cũng được giải thoát, không bị trói buộc. Không bị cái gì trói buộc? Đó là tham, sân, si không thể trói buộc; sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não cũng không thể trói buộc.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Đa văn đối khổ, lạc,
Có thọ, nhưng tỉnh giác,
So với kẻ phàm phu,
Người ấy thật sáng suốt.
Thọ lạc, không buông lung.
Gặp khổ, không lo buồn,
Khổ, lạc đều buông xả,
Chẳng theo cũng chẳng chống.
Tỳ-kheo gắng tinh tấn,
Tỉnh giác, không dao động,
Đối với tất cả thọ,
Trí tuệ thường thấu rõ.
Do liễu tri các thọ,
Hiện đời sạch các lậu,
Mạng chung, không luân hồi,[2]
Vĩnh viễn nhập Niết-bàn.
Đức Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.470. 0119c28). Tham chiếu: S. 36.6 - IV. 207.
[2] Nguyên tác: Bất đọa số (不墮數). Số (數) là thể rút gọn của “chư số” (諸數). Xem chú thích 35, kinh số 16, quyển 1, tr. 12; Tạp. 雜 (T.02. 0099.16. 0003b14).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.