Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Biển lớn sâu hiểm, đó là điều mà phàm phu ở thế gian thường nói tới. Sự sâu hiểm này không giống như sự sâu hiểm mà giáo pháp của bậc Thánh nói đến. Thế gian nói sâu hiểm là chỉ cho lượng nước tích tụ rất nhiều trong biển lớn; còn các cảm thọ phát sanh từ thân này thống khổ bức bách, hoặc phiền, hoặc chết, đó gọi là chỗ vô cùng sâu hiểm mà giáo pháp của bậc Thánh nói tới.
Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết đối với những cảm thọ phát sanh từ thân này thống khổ bức bách, hoặc phiền, hoặc chết thì thường lo buồn than oán, khóc lóc kêu la, tâm phát cuồng loạn, mãi bị chìm đắm, không chỗ dừng nghỉ.
Thánh đệ tử đa văn đối với những cảm thọ phát sanh từ thân này thống khổ bức bách, hoặc phiền, hoặc chết nhưng chẳng sanh lo buồn, chẳng khóc lóc kêu la, tâm chẳng sanh cuồng loạn, không chìm trong sanh tử, được chỗ dừng nghỉ.
Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:
Thân sanh các thọ khổ,
Bức bách cho đến chết,
Lo buồn, không kham nhẫn,
Than khóc, phát loạn cuồng.
Tâm tự sanh chướng ngại,
Chiêu tập thêm khổ não,
Mãi chìm biển sanh tử,
Chẳng biết chỗ dừng nghỉ.
Biết xả thọ nơi thân,
Thân sanh bao khổ phiền,
Bức bách cho đến chết,
Nhưng chẳng khởi lo buồn.
Chẳng than khóc kêu gào,
Biết tự kham nhẫn khổ,
Tâm chẳng sanh chướng ngại,
Chẳng chiêu tập thêm khổ,
Chẳng chìm đắm sanh tử,
Vĩnh viễn được an vui.
Đức Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.469. 0119c07). Tham chiếu: S. 36.4 - IV. 206.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.