Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Con phải biết như thế nào, thấy như thế nào đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng bên ngoài để không bị trói buộc bởi nhận thức sai lầm là ta, của ta và phiền não ngã mạn?
Đức Phật bảo Tôn giả La-hầu-la:
_ Có ba thọ là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc. Đối với cảm thọ lạc cần phải quán sát rằng, [ta] vì để đoạn trừ kiết sử tham đối với cảm thọ lạc mà theo Như Lai tu tập Phạm hạnh; vì để đoạn trừ kiết sử sân đối với thọ khổ mà theo Như Lai tu tập Phạm hạnh; vì để đoạn trừ kiết sử si đối với cảm thọ không khổ không lạc nên mới theo Như Lai tu tập Phạm hạnh.
Này La-hầu-la! Nếu Tỳ-kheo nào đối với kiết sử tham nơi cảm thọ lạc đã đoạn trừ, đã biết rõ; đối với kiết sử sân nơi cảm thọ khổ đã đoạn trừ, đã biết rõ; đối với kiết sử si nơi cảm thọ không khổ không lạc đã đoạn trừ, đã biết rõ, gọi là
Tỳ-kheo đã đoạn trừ ái dục, dứt các kiết sử, tỏ ngộ ngã mạn, vượt thoát khổ đau. [2]
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Lúc cảm nhận thọ lạc,
Nếu không biết rõ nó,
Sẽ bị tham sử [3] trói,
Chẳng thấy đường thoát ly.
Lúc cảm nhận thọ khổ,
Nếu không biết rõ nó,
Liền bị sân hận buộc,
Chẳng thấy đường thoát ly.
Thọ không khổ không lạc,
Bậc Chánh Giác đã dạy,
Nếu chẳng khéo quán chiếu,
Chẳng thể qua bờ kia.
Tỳ-kheo gắng tinh tấn,
Tỉnh giác, không dao động,[4]
Như thế với các thọ,
Người trí luôn tỉnh giác.
Liễu tri các thọ rồi,
Hiện đời trừ sạch lậu,
Người trí khi mạng chung,
Không rơi vào luân hồi,[5]
Luân hồi đã được đoạn,
Vĩnh viễn nhập Niết-bàn.
Đức Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.468. 0119b11). Tham chiếu: S. 36.3 - IV. 205.
[2] Nguyên tác: Mạn vô gián đẳng (慢無間等). Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21; Tạp. 雜(T.02. 0099.23. 0005b02).
[3] Nguyên tác: Tham sử (貪使). Sử (使) tức kiết sử, tùy miên, phiền não.
[4] Nguyên tác: Chánh tri bất động chuyển (正知不動轉). Chánh tri (正知), đây là thể rút ngắn của “chánh tri chánh niệm” (正知正念), chỉ cho chánh niệm, tỉnh giác. Bất động chuyển (不動轉), không di động, an trú thiền định. Xem Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.3. 00390b22): Kỳ tâm kiên cố bất động chuyển (其心堅固不動轉). Xem thêm Tạp. 雜 (T.02. 0099.470. 0120b10): Chánh trí bất khuynh động (正智不傾動).
[5] Nguyên tác: Chúng số (眾數), một cách diễn đạt khác của “chư số” (諸數). Xem chú thích 35, kinh số 16, quyển 1, tr. 12; Tạp. 雜 (T.02. 0099.16. 0003b14).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.