Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

466. XÚC VÀ THỌ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Con phải biết như thế nào, thấy như thế nào đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng bên ngoài, để không bị trói buộc bởi nhận thức sai lầm là ta, của ta và phiền não ngã mạn?

Đức Phật bảo La-hầu-la:

_ Có ba thọ. Đó là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc và cảm thọ không khổ không lạc. Ba thọ này do cái gì làm nhân, do cái gì làm tập khởi, do cái gì mà tác sanh, do cái gì làm hiện hữu?[2] Này La-hầu-la! Ba thọ này do xúc làm nhân, do xúc làm tập khởi, do xúc mà tác sanh, do xúc mà hiện hữu. Các xúc làm nhân sanh ra các thọ, nếu những xúc ấy diệt thì các thọ kia cũng diệt, dừng nghỉ, thanh tịnh, biến mất. Khi biết như thế, thấy như thế đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng bên ngoài thì không còn bị trói buộc bởi nhận thức sai lầm là ta, của ta và phiền não ngã mạn.

Đức Phật dạy kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.466. 0119a11). Tham chiếu: S. 36.10 - IV. 215.

[2] Xem chú thích 22, kinh số 291, quyển 12, tr. 346; Tạp. 雜 (T.02. 0099.291. 0082a28).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.