Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

465. ĐOẠN TRỪ TRÓI BUỘC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Con phải biết như thế nào, thấy như thế nào đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng bên ngoài để không bị trói buộc bởi nhận thức sai lầm là ta, của ta và phiền não ngã mạn?

Phật bảo La-hầu-la:

_ Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì thầy mà nói. Này La-hầu-la! Nếu Tỳ-kheo biết như thật những gì thuộc địa giới ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì tất cả chúng đều chẳng phải là ta, chẳng phải khác ta, chẳng tồn tại trong nhau. Thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới cũng lại như vậy.

Này La-hầu-la! Tỳ-kheo biết như thế, thấy như thế đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài sẽ không bị trói buộc bởi nhận thức sai lầm là ta, của ta và phiền não ngã mạn. La-hầu-la! Nếu Tỳ-kheo đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài mà không bị trói buộc bởi nhận thức sai lầm là ta, của ta và phiền não ngã mạn thì được gọi là bậc đã đoạn trừ ái dục, dứt các kiết sử, tỏ ngộ hoàn toàn về mạn,[2] vượt thoát khổ đau.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.465. 0118c24). Tham chiếu: A. 4.177 - II. 164.

[2] Nguyên tác: Chánh mạn vô gián đẳng (正慢無間等). Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21;Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005b03).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.