Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 17

 

464. CÙNG MỘT GIÁO PHÁP[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đi đến chỗ một vị Thượng tọa danh tiếng, cung kính thăm hỏi rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Nếu Tỳ-kheo ở nơi thanh vắng, bên gốc cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy thì nên dùng pháp gì để chuyên tâm tư duy?

Thượng tọa đáp:

_ Này Tôn giả A-nan! Tỳ-kheo ở nơi thanh vắng, bên gốc cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy thì nên chuyên tâm tư duy vào hai pháp, đó là chỉ và quán.[2]

Tôn giả A-nan lại hỏi:

_ Tu tập pháp chỉ, nếu thường xuyên tu tập như thế sẽ thành tựu được gì? Tu tập pháp quán, nếu thường xuyên tu tập như thế sẽ thành tựu được gì?

Thượng tọa đáp:

_ Tôn giả A-nan! Tu tập pháp chỉ cuối cùng thành tựu pháp quán, tu tập pháp quán cũng thành tựu pháp chỉ, nghĩa là Thánh đệ tử chỉ và quán song tu sẽ đắc các cõi giải thoát.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

_ Như thế nào là các cõi giải thoát?

Thượng tọa đáp:

_ Tôn giả A-nan! Cõi Đoạn, cõi Vô dục, cõi Diệt. Đó gọi là các cõi giải thoát.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

_ Thế nào là cõi Đoạn, cho đến cõi Diệt?

Thượng tọa đáp:

_ Tôn giả A-nan! Đoạn tất cả hành, gọi là cõi Đoạn; đoạn trừ ái dục, gọi là cõi Vô dục; tất cả hành vắng lặng, gọi là cõi Diệt.

Tôn giả A-nan sau khi nghe Thượng tọa nói xong, hoan hỷ và tùy hỷ rồi đi đến chỗ năm trăm Tỳ-kheo cung kính thăm hỏi, rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Nếu Tỳ-kheo ở nơi thanh vắng, bên gốc cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy thì nên dùng pháp gì để chuyên tâm tư duy?

Khi ấy, năm trăm Tỳ-kheo đáp:

_ Thưa Tôn giả A-nan! Nên dùng hai pháp để chuyên tâm tư duy (cho đến cõi Diệt, cũng đồng như Thượng tọa đã nói ở trên).

Tôn giả A-nan nghe năm trăm vị Tỳ-kheo nói như thế, hoan hỷ và tùy hỷ, liền đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo ở nơi thanh vắng, bên gốc cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy thì nên dùng pháp gì để chuyên tâm tư duy?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

_ Nếu Tỳ-kheo ở nơi thanh vắng, bên gốc cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy thì nên dùng hai pháp để chuyên tâm tư duy (cho đến cõi Diệt, cũng đồng như năm trăm Tỳ-kheo đã nói ở trên).

Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

_ Hay thay, bạch Thế Tôn! Bậc Đại sư và các đệ tử đều cùng giáo pháp, cùng ý nghĩa, cùng văn cú, cùng từ ngữ.[3] Hôm nay, con đến chỗ một Thượng tọa danh tiếng hỏi về nghĩa này; vị ấy cũng dùng ý nghĩa này, văn cú này, từ ngữ này giải đáp cho con, giống như Thế Tôn vừa dạy. Con cũng đến chỗ năm trăm Tỳ-kheo rồi đem ý nghĩa này, văn cú này, từ ngữ này hỏi năm trăm Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo ấy cũng dùng ý nghĩa này, văn cú này, từ ngữ này giải đáp, giống như Thế Tôn vừa dạy. Vì thế nên biết, Thế Tôn và đệ tử, tất cả đều cùng giáo pháp, cùng ý nghĩa, cùng văn cú, cùng chữ nghĩa.

Đức Phật hỏi Tôn giả A-nan:

_ Thầy có biết vị Thượng tọa kia là Tỳ-kheo như thế nào chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

_ Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Đức Phật bảo:

_ Thượng tọa ấy là bậc A-la-hán, các lậu đã sạch, đã xả bỏ gánh nặng, đạt được chánh trí, tâm được giải thoát hoàn toàn[4] và năm trăm vị Tỳ-kheo kia cũng đều như vậy.

Đức Phật dạy kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.464. 0118b15).

[2] Chỉ quán (止觀, samatha, vipassanā).

[3] Nguyên tác: Vị (味, vyañjana), vừa có nghĩa là vị của món ăn vừa có nghĩa là mẫu tự.

[4] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.