Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 16

 

454. TƯỞNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Do duyên giới sai biệt nên sanh các xúc sai biệt. Do duyên xúc sai biệt nên sanh các thọ sai biệt. Do duyên thọ sai biệt nên sanh các tưởng sai biệt. Do duyên tưởng sai biệt nên sanh những tham muốn sai biệt. Do duyên tham muốn sai biệt nên sanh giác [2] sai biệt. Do duyên giác sai biệt nên sanh nhiệt não[3] sai biệt. Do duyên nhiệt não sai biệt nên sanh mong cầu sai biệt.

Thế nào gọi là sự sai biệt của giới? Đó là mười tám giới, bao gồm từ nhãn giới,... (cho đến) pháp giới.

Thế nào gọi là do duyên giới sai biệt nên sanh xúc sai biệt? (Cho đến) Thế nào gọi là do duyên nhiệt não sai biệt mà sanh mong cầu sai biệt?

Đó là do duyên nhãn giới mà sanh nhãn xúc, do duyên nhãn xúc mà sanh nhãn thọ, do duyên nhãn thọ mà sanh nhãn tưởng, do duyên nhãn tưởng mà sanh nhãn dục, do duyên nhãn dục nên sanh nhãn giác, do duyên nhãn giác mà sanh nhãn nhiệt não, do duyên nhãn nhiệt não nên sanh nhãn mong cầu.

Đối với nhĩ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới và ý giới cũng tương tự như vậy. Do duyên ý giới mà sanh ý xúc, do duyên ý xúc mà sanh ý thọ, do duyên ý thọ mà sanh ý tưởng, do duyên ý tưởng mà sanh ý giác, do duyên ý giác mà sanh ý nhiệt não, do duyên ý nhiệt não mà sanh ý cầu.

Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là do duyên giới sai biệt nên sanh xúc sai biệt. (Cho đến) do duyên nhiệt não sai biệt mà sanh mong cầu sai biệt.

Này các Tỳ-kheo! Không phải do duyên mong cầu sai biệt mà sanh nhiệt não sai biệt, không phải do duyên nhiệt não sai biệt mà sanh giác sai biệt, không phải do duyên giác sai biệt mà sanh khởi tưởng sai biệt, không phải do duyên tưởng sai biệt mà sanh thọ sai biệt, không phải do duyên thọ sai biệt mà sanh xúc sai biệt, không phải do duyên xúc sai biệt mà sanh giới sai biệt mà chỉ vì do duyên giới sai biệt nên sanh xúc sai biệt. ... (cho đến) do duyên nhiệt não sai biệt mà sanh mong cầu sai biệt.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.[4]

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.454. 0116b14). Tham chiếu: S. 14.7-10 - II. 143-47.

[2] Nguyên tác: Giác (覺), chỉ cho giác tưởng phân biệt hay vọng tưởng phân biệt.

[3] Nguyên tác: Nhiệt (熱), chỉ cho sự nóng bức, bức bách khổ não.

[4] Bản Hán, hết quyển 16. Đầu quyển 17 có thêm một dòng chữ Hán, là dấu vết của sự phân chia chương, mục thời xưa còn sót lại. Đó là Tạp nhân tụng đệ tam phẩm chi ngũ (雜因誦第三品之五).

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.