Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 16
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Chúng sanh luôn tương ưng với cảnh giới. Thế nào là chúng sanh luôn tương ưng với cảnh giới? Nghĩa là khi tâm chúng sanh bất thiện thì tương ưng với cảnh giới bất thiện, khi tâm chúng sanh thiện thì tương ưng với cảnh giới thiện, khi tâm chúng sanh thấp kém thì tương ưng với cảnh giới thấp kém, khi tâm chúng sanh tốt đẹp thì tương ưng với cảnh giới tốt đẹp.
Khi ấy, Tôn giả Kiêu-trần-như [2]cùng với số đông Tỳ-kheo đang kinh hành gần đó, tất cả đều là những vị Đại đức, Thượng tọa học rộng hiểu nhiều, xuất gia đã lâu, đầy đủ Phạm hạnh.
Khi ấy, lại có Tôn giả Đại Ca-diếp[3] cùng với số đông Tỳ-kheo đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc ít muốn biết đủ, hành hạnh Đầu-đà,[4] không chứa đồ dư.
Tôn giả Xá-lợi-phất[5] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc đại trí biện tài.
Khi ấy cũng có Tôn giả Đại Mục-kiền-liên[6] cùng với số đông Tỳ-kheo đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc có sức thần thông lớn.
Lại có Tôn giả A-na-luật-đà[7] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc Thiên nhãn thấu suốt.
Khi ấy lại có Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ[8] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc dũng mãnh tinh tấn, chuyên cần tu tập.
Khi ấy cũng có Tôn giả Đà-phiêu[9] cùng với số đông Tỳ-kheo đang kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc khéo vì đại chúng mà tu hạnh cúng dường đầy đủ.
Lại có Tôn giả Ưu-ba-ly[10] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc thông suốt việc hành trì giới luật.
Khi đó lại có Tôn giả Phú-lâu-na[11] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc có tài hùng biện và giỏi thuyết pháp.
Khi đó lại có Tôn giả Ca-chiên-diên[12] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc có tài phân biệt các kinh, khéo nói pháp tướng.
Khi đó lại có Tôn giả A-nan[13] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc tổng trì đa văn.
Lại có Tôn giả La-hầu-la[14] cùng với số đông Tỳ-kheo cũng đang kinh hành gần đó, tất cả đều là bậc khéo hành trì giới luật.
Khi đó cũng có Tôn giả Đề-bà-đạt-đa[15] cùng với số đông Tỳ-kheo đang kinh hành gần đó, tất cả đều là những người huân tập những việc xấu ác.
Đó gọi là các Tỳ-kheo luôn tương ưng với cảnh giới, hòa hợp với cảnh giới. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy phải khéo phân biệt mọi cảnh giới.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.447. 0115a24). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.49.3. 0795b20); S. 14.15 - II. 155.
[2] Kiêu-trần-như (憍陳如) gọi đủ là A-nhã Kiêu-trần-như (阿若憍陳如, Aññā Koṇḍañña), cũng gọi là A-nhã Câu-lân (阿若拘鄰).
[3] Đại Ca-diếp (大迦葉, Mahākassapa).
[4] Đầu-đà (頭陀, Dhūta): Giải thoát đạo luận 解脫道論 (T.32. 1648.2. 0404b27) trả lời câu hỏi: Những gì gọi là Đầu-đà? Có 13 pháp. Hai pháp liên quan đến y phục, gồm y phấn tảo và ba y. Năm pháp liên quan đến khất thực; đó là khất thực, tuần tự khất thực, ăn một lần ngồi, ăn có chừng mực, trái thời không ăn. Năm pháp liên quan đến nằm, ngồi: Một là ngồi nơi thanh vắng, hai là ngồi dưới gốc cây, ba là ngồi chỗ đất trống, bốn là ngồi nơi bãi tha ma, năm là ngồi chỗ ngẫu nhiên. Có một pháp liên quan đến hạnh tinh tấn, đó là thường ngồi, không nằm. (何者為頭陀? 有十三法. 二法衣相應, 謂糞掃衣及三衣. 五法乞食相應, 謂乞食, 次第乞食, 一坐食, 節量食, 時後不食. 五法坐臥相應: 一無事處坐, 二樹下坐, 三露地坐, 四塚間坐, 五遇得處坐. 一勇猛相應有一種, 謂常坐不臥). Tương tự, trong Vism. 2.22 cũng đề cập đến 13 pháp Đầu-đà: Paṃsukūlikaṅgaṃ, tecīvarikaṅgaṃ, piṇḍapātikaṅgaṃ, sapadānacārikaṅgaṃ, ekāsanikaṅgaṃ, pattapiṇḍikaṅgaṃ, khalupacchābhattikaṅgaṃ, āraññikaṅgaṃ, rukkhamūlikaṅgaṃ, abbhokāsikaṅgaṃ, sosānikaṅgaṃ, yathāsanthatikaṅgaṃ, nesajjikaṅganti ((i) Hạnh phấn tảo y; (ii) Hạnh ba y; (iii) Hạnh khất thực; (iv) Hạnh khất thực từng nhà; (v) Hạnh nhất tọa thực; (vi) Hạnh ăn bằng bát; (vii) Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong); (viii) Hạnh ở rừng; (ix) Hạnh ở gốc cây; (x) Hạnh ở giữa trời; (xi) Hạnh ở nghĩa địa; (xii) Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong; (xiii) Hạnh ngồi (không nằm)), Thích Nữ Trí Hải dịch.
[5] Xá-lợi-phất (舍利弗, Sāriputta).
[6] Đại Mục-kiền-liên (大目揵連, Mahāmoggallāna).
[7] A-na-luật-đà (阿那律陀, Anuruddha).
[8] Nhị Thập Ức Nhĩ (二十億耳, Sona Kutikanna / Soṇa Koṭikaṇṇa).
[9] Đà-phiêu (陀驃, Dabba).
[10] Ưu-ba-ly (優波離, Upāli).
[11] Phú-lâu-na (富樓那, Puṇṇa).
[12] Ca-chiên-diên (迦旃延, Kaccāyana).
[13] A-nan (阿難, Ānanda).
[14] La-hầu-la (羅睺羅, Rāhula).
[15] Đề-bà-đạt-đa (提婆達多, Devadatta).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.