Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 16

 

440. LƯỢNG NƯỚC[1] 

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Ví như có một cái hồ rộng, sâu đến năm mươi do-tuần với mực nước đầy tràn. Nếu có người dùng một sợi lông, một sợi tóc hoặc đầu ngón tay nhúng vào trong hồ kia ba lần. Thế nào, này các Tỳ-kheo, lượng nước nhúng được của người kia nhiều hay nước trong hồ nhiều?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

_ Kính bạch Thế Tôn! Lượng nước dính trên sợi lông, sợi tóc hoặc trên đầu ngón tay của người kia rất ít, còn nước trong hồ thì nhiều vô lượng, vô số, cho đến không thể dùng toán số hay ví dụ để so sánh được.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

_ Nước trong hồ lớn thì nhiều đến vô lượng. Còn vị Thánh đệ tử đa văn Kiến đế[2] đầy đủ, đạt được quả Thánh, dứt các gốc khổ như cây đa-la bị chặt đứt gốc, thành tựu pháp bất sanh trong đời vị lai, sự kết buộc chưa trừ diệt[3] thì chỉ như số nước nơi sợi lông, sợi tóc, hoặc nơi móng tay của người kia mà thôi.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu người nào chưa giác ngộ[4] đối với bốn Thánh đế thì phải nỗ lực tinh tấn, phát khởi ước muốn tăng thượng, tu tập để giác ngộ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Tương tự như ví dụ nước trong hồ lớn; cũng vậy, ví dụ nước trong sông Tátda-đa-tra-ca, sông Hằng[5]sông Gia-phù-na[6], Tát-la-du[7]Y-la-bạt-đề[8], Mahê[9], cho đến ví dụ về bốn biển lớn[10], cũng nói giống như trên.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.440. 0113c13). Tham chiếu: S. 13.7 - II. 136;S. 56.52-53 - V. 460; S. 56.57 - V. 463.

[2] Kiến đế (見諦): Chứng ngộ chân lý, thấy được Thánh đế.

[3] Nguyên tác: Dư bất tận giả (餘不盡者). Dư (餘) chỉ cho hữu dư (有餘, upadhi), là sự kết buộc (執取), bản thể của sự tái sanh.

[4] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等). Xem chú thích 23, kinh số 105, quyển 5, tr. 135; Tạp. 雜 (T.02. 0099.105. 0031c15).

[5] Hằng-già (恒伽, Gaṅgā).

[6] Da-phù-na (耶符那, Yamunā).

[7] Tát-la-du (薩羅遊, Sarabhū).

[8] Y-la-bạt-đề (伊羅跋提, Aciravatī).

[9] Ma-hê (摩醯, Mahī). Ví dụ về 4 con sông này còn đề cập ở S. 56.54 - V. 461.

[10] Ví dụ về 4 biển lớn còn đề cập ở S. 56.57 - V. 463; S. 56.58 - V. 463.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.