Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 16

 

434.  TRÍ TUỆ SÁNG SUỐT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Thế nào gọi là trí tuệ sáng suốt? Đó là trí rõ biết như thật Thánh đế về khổ, trí rõ biết như thật Thánh đế về nguyên nhân của khổ, trí rõ biết như thật Thánh đế về khổ diệt và trí rõ biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, hay là không rõ biết như thật về chúng?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

_ Kính bạch Thế Tôn! Theo như hiểu biết của chúng con về những gì Thế Tôn chỉ dạy, nếu có thể rõ biết như thật về bốn Thánh đế, đó gọi là trí tuệ sáng suốt.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

_ Lành thay! Lành thay! Đối với Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về khổ diệt và Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt mà có thể rõ biết như thật, đó gọi là trí tuệ sáng suốt.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu người nào chưa giác ngộ[2] đối với bốn Thánh đế thì phải nỗ lực tinh tấn, phát khởi ước muốn tăng thượng, tu tập để giác ngộ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.434. 0112c10).

[2] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等). Xem chú thích 23, kinh số 105, quyển 5, tr. 135; Tạp. 雜 (T.02. 0099.105. 0031c15).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.