Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 16
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập ở nhà ăn rồi cùng nhau bàn luận. Có người cho rằng thế gian là thường còn, có người cho rằng thế gian là vô thường, hoặc cho rằng thế gian vừa thường vừa vô thường, hoặc cho rằng thế gian không phải thường cũng không phải vô thường; hoặc cho rằng thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên, thế gian vừa hữu biên vừa vô biên, thế gian không phải hữu biên cũng không phải vô biên; hoặc cho rằng mạng là thân, mạng không phải là thân; hoặc nói Như Lai sau khi diệt độ là còn, Như Lai sau khi diệt độ là không còn, Như Lai sau khi diệt độ vừa còn vừa không còn, Như Lai sau khi diệt độ chẳng phải còn cũng chẳng phải không còn.
Khi ấy, Thế Tôn đang tọa thiền ở một nơi, bằng thiên nhĩ nên nghe được cuộc bàn luận ở nhà ăn của các Tỳ-kheo nên Ngài liền đến đó, trải tòa ngồi trước đại chúng rồi bảo các Tỳ-kheo:
_ Này các Tỳ-kheo! Các thầy tụ tập đông đảo rồi bàn luận về điều gì?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Chúng con tụ tập ở nhà ăn này rồi cùng nhau bàn luận về nhiều vấn đề: “Có người cho rằng thế gian là thường còn, hoặc có người cho rằng thế gian là vô thường,... (như đoạn trên đã trình bày).4
Phật bảo các Tỳ-kheo:
_ Các thầy chớ nên luận bàn như vậy. Vì sao như thế? Vì những luận bàn như vậy không đưa đến lợi ích về ý nghĩa, không lợi ích về pháp, không lợi ích cho Phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác ngộ, không thẳng đến Niết-bàn.
Này các Tỳ-kheo! Các thầy nên luận bàn như thế này: “Đây là Thánh đế về khổ, đây là Thánh đế về nguyên nhân của khổ, đây là Thánh đế về khổ diệt và đây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt.”
Vì sao như thế? Vì những luận bàn như vậy sẽ đưa đến lợi ích về ý nghĩa, lợi ích về pháp, lợi ích về Phạm hạnh, đưa đến chánh trí, đưa đến giác ngộ, thẳng đến Niết-bàn.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu người nào chưa giác ngộ[2] đối với bốn Thánh đế thì phải nỗ lực tinh tấn, phát khởi ước muốn tăng thượng, tu tập để giác ngộ.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.