Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 16
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Các thầy hãy cùng Như Lai đi đến vách núi nguy hiểm.[2]Các Tỳ-kheo bạch Phật:
_ Kính vâng, bạch Thế Tôn!
Khi ấy, Thế Tôn và đại chúng cùng đến bên vách núi nguy hiểm rồi trải tòa ngồi. Sau khi quan sát một vòng vách núi nguy hiểm, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
_ Vách núi này rất sâu và nguy hiểm!
Lúc ấy, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh lại y phục, đảnh lễ Phật rồi chắp tay thưa:
_ Bạch đức Thế Tôn! Vách núi này rất sâu và nguy hiểm, nhưng còn có thứ gì sâu hiểm cùng cực và đáng sợ hơn nữa không?
Phật biết ý của vị Tỳ-kheo này, nên đáp:
_ Thật vậy, này Tỳ-kheo! Vách núi này rất sâu và nguy hiểm, nhưng còn có thứ sâu hiểm đáng sợ hơn nữa, đó là Sa-môn, Bà-la-môn không biết như thật Thánh đế về khổ, không biết như thật Thánh đế về nguyên nhân của khổ, không biết như thật Thánh đế về khổ diệt và không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Những vị này tham đắm vào các pháp hữu vi[3] vốn là đầu mối của sự sanh; tham đắm vào các pháp hữu vi vốn là đầu mối của sự già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não mà tạo ra những hiện hành[4] của già, bệnh, chết lo, buồn, khổ, não xoay vần tăng trưởng nên họ rơi vào chốn sâu hiểm của sự sanh, rơi vào chốn sâu hiểm của già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não. Như thế, này Tỳ-kheo! Đây chính là thứ sâu hiểm đáng sợ nhất.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Nếu người nào chưa giác ngộ[5] đối với bốn Thánh đế thì phải nỗ lực tinh tấn, phát khởi ước muốn tăng thượng, tu tập để giác ngộ.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.421. 0111a20). Tham chiếu: S. 56.42 - V. 448.
[2] Thâm hiểm nham (深嶮巖). Tham chiếu: S. 56.42 - V. 448: Paṭibhānakūṭa (đỉnh núi Biện Tài).
[3] Nguyên tác: Chư hành (諸行). Tham chiếu: S. 56.42 - V. 448: Saṅkhārā (các pháp hữu vi).
[4] Nguyên tác: Tác thị hành (作是行). Tham chiếu: S. 56.42 - V. 448: Saṅkhāresu abhisaṅkharonti (khởi sanh các hiện hành).
[5] Nguyên tác: Vô gián đẳng (無間等). Xem chú thích 23, kinh số 105, quyển 5, tr. 135; Tạp. 雜 (T.02. 0099.105. 0031c15).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.