Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 15
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến chúng sanh được tồn tại, được bảo hộ và nuôi lớn. Là bốn loại thức ăn nào? Một là thô đoàn thực. Hai là tế xúc thực. Ba là ý tư thực. Bốn là thức thực.
Tỳ-kheo quán sát đoàn thực như thế nào?
Ví như hai vợ chồng chỉ có một đứa con, thương yêu nuôi nấng, muốn vượt qua con đường hoang vắng, hiểm trở, nhưng lương thực đã hết sạch, lại bị đói khát cùng cực, không còn cách nào cứu vãn nên họ bàn với nhau: “Chúng ta chỉ có một đứa con rất mực thương yêu, nếu ăn thịt con mới có thể qua cơn hiểm nạn, chẳng lẽ cả ba người cùng chịu chết ở chốn này.”
Suy tính như vậy rồi, họ liền giết chết con, ngậm ngùi đau xót rơi lệ, gượng ăn thịt con để vượt qua khỏi chốn hoang vắng.
Thế nào, này Tỳ-kheo, vợ chồng kia cùng nhau ăn thịt con phải chăng vì do mùi vị, hay do tham ăn ngon, ưa thích mà ăn?
Tỳ-kheo đáp:
_ Bạch đức Thế Tôn, không phải như thế!
Lại hỏi Tỳ-kheo:
_ Có phải vợ chồng kia gượng ăn thịt con chỉ vì để vượt qua khỏi con đường hoang vắng, hiểm trở chăng?
Tỳ-kheo đáp:
_ Bạch Thế Tôn, đúng như thế!
Phật bảo Tỳ-kheo:
_ Khi ăn đoàn thực, Tỳ-kheo nên quán như thế. Quán sát như thế sẽ biết rõ[2] về đoàn thực; biết rõ về đoàn thực rồi thì tâm tham ái đối với năm loại dục[3] sẽ được chấm dứt. Khi tâm tham ái đối với năm loại dục đã chấm dứt thì Ta không thấy vị Thánh đệ tử đa văn nào đối với năm loại dục mà còn có một kiết sử nào chưa được đoạn trừ. Bởi vì, nếu như còn có một kiết sử trói buộc sẽ trở lại cõi đời này.
Tỳ-kheo quán sát xúc thực như thế nào?
Ví như con bò bị lột da toàn thân, dù ở bất cứ nơi nào nó vẫn bị các loài côn trùng rúc rỉa, đất cát, bụi bặm bám vào, cây cỏ châm chích khắp thân. Nếu nó nằm trên đất thì bị côn trùng trên đất gặm nhấm, nếu ở trong nước thì bị côn trùng trong nước rúc rỉa, nếu đứng giữa khoảng không thì bị loài côn trùng biết bay cắn mổ, đứng nằm đều thường đau đớn khắp thân thể.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Đối với xúc thực ấy nên quán như thế! Quán như thế sẽ biết rõ về xúc thực. Đã biết rõ về xúc thực thì ba thọ sẽ chấm dứt. Ba thọ đã chấm dứt thì vị Thánh đệ tử đa văn đối với những pháp trên không còn tạo tác, những việc cần làm đều đã làm xong.
Tỳ-kheo quán sát ý tư thực như thế nào?
Ví như ở ven thôn xóm hay thành ấp có lửa cháy nhưng không có khói, không có ngọn lửa. Lúc ấy, có người thông minh, trí tuệ, xả bỏ khổ, hướng đến lạc, nhàm chán chết, ưa thích sống, liền nghĩ như vầy: “Chỗ kia có lửa cháy lớn, không có khói, không có ngọn lửa, người đi ngang phải tránh, chớ để bị rơi vào trong đó, chắc chắn sẽ chết mất, không có gì phải nghi ngờ.”
Suy nghĩ như thế rồi, người ấy luôn mong muốn bỏ đi thật xa. Quán sát ý tư thực cũng như thế. Quán sát ý tư thực như thế thì biết rõ về ý tư thực. Biết rõ về ý tư thực thì ba ái[4] chắc chắn sẽ chấm dứt. Ba ái đã chấm dứt thì vị Thánh đệ tử đa văn đối với các pháp trên không còn tạo tác, những việc cần làm đều đã làm xong.
Này các Tỳ-kheo! Thế nào là quán sát thức thực?
Ví như quốc vương có lính tuần canh bắt được kẻ trộm cướp liền trói lại đem đến chỗ nhà vua. (Như trước đã nói rõ trong Kinh Tu-thâm).[5] Do nhân duyên này, người ấy phải chịu ba trăm mũi giáo nhọn, cảm giác đau đớn khổ sở suốt ngày đêm. Quán sát thức thực cũng như thế. Quán sát như thế thì biết rõ về thức thực. Người đã biết rõ về thức thực thì biết rõ về danh sắc. Đã biết rõ về danh sắc thì vị Thánh đệ tử đa văn đối với các pháp trên không còn tạo tác, những việc cần làm đều đã làm xong.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.373. 0102b18). Tham chiếu: S. 12.63 - II. 97.
[2] Nguyên tác: Đoạn tri (斷知, pariññāta).
[3] Nguyên tác: Ngũ dục công đức (五欲功德). Xem chú thích 66, kinh số 211, quyển 8, tr. 233; Tạp. 雜 (T.02. 0099.211. 0053a26).
[4] Nguyên tác: Tam ái là dục ái (欲愛), hữu ái (有愛) và vô hữu ái (無有愛).
[5] Tạp. 雜 (T.02. 0099.347. 0096b25).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.